Cần thu hồi các dự án “rùa” để phát huy giá trị quỹ đất

10:55, 25/03/2016

Những năm qua, thị xã Phổ Yên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, phần lớn các dự án đều phát huy hiệu quả, bên cạnh đó vẫn còn những dự án triển khai chậm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương…

Các dự án chậm tiến độ

 

Nói đến các dự án chậm tiến độ trên địa bàn thị xã Phổ Yên trước tiên phải kể đến Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên của Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên - một trong những dự án được triển khai đầu tiên ở Thị xã. Triển khai từ năm 2008 tại xã Thuận Thành, Dự án này có diện tích trên 27ha với tổng vốn đầu tư gần 134 tỷ đồng. Theo kế hoạch, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh, chủ đầu tư còn đặt tại đây các nhà máy sản xuất các sản phẩm lốp ôtô, cầu truyền động, hộp số, chi tiết gang thép hợp kim, vỏ động cơ, nhíp, lò xo... Dự án thuộc địa phận xóm Lai và xóm Thượng, thu hồi đất của 334 hộ dân, 100% là đất nông nghiệp. Dự kiến, Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 1.500 đến 4.000 lao động. Thế nhưng, sau khi xây dựng 1 khu nhà xưởng, Dự án vẫn dậm chân tại chỗ cho đến bây giờ.

 

Tiếp theo là Dự án xây dựng Trường đào tạo nghề của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 - Bộ Giao thông Vận tải. Dự án có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 147 tỷ đồng. Theo quy hoạch, trên diện tích 10ha đất tại Xã Hồng Tiến và thị trấn Bãi Bông, Trường sẽ xây dựng Khu hiệu bộ, khu hội trường, nhà học lý thuyết, khu thư viện, khu thực hành, ký túc xá, nhà ăn sinh viên, các khu thể thao, sân vườn, đường dạo và hạ tầng đồng bộ... Toàn bộ dự án được quy hoạch đồng bộ và hiện đại với quy mô đào tạo 14.000 học sinh/năm. Theo kế hoạch, năm 2012, Trường sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên. Nhưng, đó chỉ là dự kiến, còn thực tế, trên diện tích đã quy hoạch, sau khi chủ dự án múc lấy đất để thi công Quốc lộ 3 mới, hiện nay nhà đầu tư vẫn chưa có động thái gì thể hiện Dự án được thi công...

 

Tương tự như vậy, Dự án đầu tư xây dựng khu tổ hợp tài chính, thương mại và nhà ở Đại Dương của Công ty CP tập đoàn Đại Dương, được triển khai tại xã Đắc Sơn với quy mô trên 26.000m2. Dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8-1012 và tháng 6-2013, tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, theo đó, Dự án có tính chất là khu tổ hợp chức năng thương mại với ở dân cư, một mô hình kiến trúc và quy hoạch hiện đại được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Kế hoạch là thế, song đến nay, đây vẫn là bãi đất bỏ không.

 

Cần thu hồi các dự án “rùa”

 

Trong 3 dự án trên, có 2 dự án đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa chi trả hết số tiền bồi thường GPMB cho người dân, đó là: Dự án xây dựng Trường đào tạo nghề của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 và Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Nam Phổ Yên. Nguyên nhân là do các dự án này đều được triển khai ở thời điểm Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuẩn bị có hiệu lực thi hành thay cho Nghị định 84. Theo Nghị định mới thì giá bồi thường GPMB tăng lên gấp hơn 2 lần so với Nghị định cũ, vì thế người dân đề nghị được chờ và áp dụng mức đền bù, hỗ trợ theo quy định mới.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo thi công Dự án, chủ đầu tư đề nghị Ban bồi thường GPMB thị xã Phổ Yên chi trả tiền cho các hộ dân theo phương án đã phê duyệt và cam kết sẽ hỗ trợ số tiền chênh lệch về bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 69 so với Nghị định 84 cho người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, các chủ đầu tư vẫn không thanh toán nốt số tiền chênh lệch và cũng không thực hiện dự án theo tiến độ đề ra. Tiền chưa được nhận hết, đất không được canh tác, điều này khiến cho người dân bị ảnh hưởng phải chịu nhiều thiệt thòi.

 

Ông Tạ Văn Ích, xóm Hắng, xã Hồng Tiến bức xúc: Để nhường đất cho Dự án xây dựng Trường đào tạo nghề, tôi đã phải di chuyển cả nhà cửa, mất toàn bộ đất sản xuất, trong khi gia đình chẳng được bố trí tái định cư nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Trong khi đó đất lại bỏ không chẳng thấy trường sở nào được xây dựng.

 

Theo đăng ký đầu tư 3 dự án nêu trên đều là những dự án có diện tích sử dụng đất lớn, trong đó phần đa là đất sản xuất, ngoài ra có một số đất ở. Để GPMB các dự án này, gần 1.000 hộ dân đã phải nhường đất sản xuất, nhiều hộ phải di chuyển chỗ ở, trong khi dự án lại không được thực hiện, ảnh hưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, khai thác quỹ đất, giảm lòng tin của người dân đối với dự án.

 

Đồng chí Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: Những dự án trên đều nằm ở những vị trí đẹp, có 2 dự án nằm bám Quốc lộ 3 cũ, còn lại một dự án gần với Quốc lộ 3 mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thị xã đã nỗ lực giải phóng mặt bằng, tuyên truyền để người dân chấp thuận, tuy nhiên nhà đầu tư lại không thực hiện theo những cam kết ban đầu. Thị xã cũng đã báo cáo tỉnh, kiến nghị thu hồi các dự án này theo thẩm quyền, để thực hiện giao quỹ đất đó cho những nhà đầu tư có năng lực, nhằm phát huy giá trị quỹ đất, góp phần phát triển kinh tế trong khu vực.