Hạn chế tối đa hoạt động đầu tư tín dụng vào bất động sản

18:59, 16/03/2016

Đó là một trong số nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong thời gian tới, bởi hiện lĩnh vực bất động sản vẫn được xem tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn cần nghiêm túc chấp hành đúng mức lãi suất huy động do NHNN quy định, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động, thực hiện các chương trình khuyến mại trong huy động vốn, cho vay đúng quy định của pháp luật và tiết giảm tối đa các chi phí quảng cáo, khuyến mại, chăm sóc khách hàng để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

 

2 tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn tương đối ổn định so với cuối năm 2015. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng, từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm. Tính đến cuối tháng 2, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên) đạt 33.360 tỷ đồng, tăng 3,49% so với cuối năm 2015, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay đạt 33.328 tỷ đồng, tăng 0,27% so với cuối năm 2015, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu chiếm 0,92%/tổng dư nợ.

 

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt khoảng 18-20%, bám sát chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.