Học tập kinh nghiệm sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao

18:44, 16/03/2016

Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã có chuyến đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Tham gia đoàn có các đồng chí: Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên.  

Là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực nên tỉnh Lâm Đồng chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng nhanh giá trị hàng hóa, trong đó sản xuất rau, hoa theo ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất tăng bình quân tăng gần 8%/năm; giá trị xuất khẩu nông sản chiếm trên 75% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tại huyện Đơn Dương, Đoàn đã đến thăm cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương. Đây là cơ sở chuyên nghiên cứu, sản xuất các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao như: máy làm đất; đóng giá thể vào vỉ xốp; gieo hạt, rửa và phân loại củ quả; rửa vỉ xốp… Với năng lực sản xuất hàng chục chiếc máy nông nghiệp mỗi tháng, giá thành rẻ, chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, cơ sở đã góp phần đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa của nông dân trong nước và nhu cầu xuất khẩu.

 

Với quy trình sản xuất công nghệ cao, Công ty Thiên Sinh chuyên sản xuất cây con, giống rau quy trình được khép kín từ khâu làm đất, đóng vỉ, gieo hạt, ghép cây, tạo ra những giống cây, kháng sâu bệnh, năng xuất cao. Lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng được thiên  nhiên ban tặng, hầu hết người nông dân trồng rau Đơn Dương có cuộc sống khá sung túc. Huyện Đơn Dương là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Nguyên và là một trong 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước.  Ông Bùi Ngọc Cung, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương cho biết: Nếu như người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với số vốn đầu tư của mình, người dân có thể thu lợi nhuận đến 50%”.

 

Tại huyện Đức Trọng, đoàn đã thăm mô hình sản xuất Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phong Thúy. Với tổng diện tích canh tác rau các loại là 110ha, mỗi năm Công ty cung cấp cho thị trường 10.000 tấn rau các loại, đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng. Hiện tại Công ty liên kết với gần 30 hộ nông dân trong tỉnh, sản xuất ổn định và cung cấp sản phẩm cho Công ty. Năm 2016, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác xuất khẩu, Công ty tiếp tục liên kết với người nông dân mở rộng sản xuất khoảng từ 15-20 ha rau công nghệ cao.

 

Tiếp đó, các thành viên trong Đoàn đã đi thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà lạt; Vườn Dâu Tùng Nguyên; HTX Xuân Hương; tham quan, học tập phương pháp quản lý đô thị của thành phố Đà Lạt…. Đồng chí Đoàn Văn Tuấn  cho biết: Sau khi thăm quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh sẽ phổ biến tuyên truyền cho người dân biết được phát triển nông nghiệp ứng dung công nghệ cao mang lại hiệu quả lớn như thế nào và trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, muốn làm được việc này đòi hỏi sự đồng lòng cao của chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Đoàn công tác sẽ báo cáo tỉnh, các cơ quan chuyên môn yêu cầu triển khai các công việc nhiệm vụ để tỉnh Thái Nguyên phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác đã trao đổi, lắng nghe, tiếp thu những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Thái Nguyên sẽ lựa chọn các phương án tối ưu, các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh, xây dựng các cơ chế để thu hút đầu tư, các phương án tiêu thụ sản phẩm… qua đó thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.