Sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất khả quan. Từ kết quả này, một số địa phương trong tỉnh đang hướng đến xây dựng mô hình nông thôn tiên tiến.
Thành quả nổi bật tỉnh ta đạt được trong việc triển khai thực hiện Chương trình XDNTM là đến nay, toàn tỉnh đã có 40 xã được công nhận đạt chuẩn, 32 xã đạt từ 15-18 tiêu chí NTM, 65 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 6 xã đạt từ 6-9 tiêu chí (cao hơn bình quân chung của cả nước); đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, diện mạo NTM có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Chị Hứa Thị Hồng, một người dân ở xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) cho biết: 5 năm trước, chúng tôi thấy cụm từ XDNTM còn xa lạ, nhưng nay thì khác rồi. Bây giờ, bà con ai cũng hiểu mục đích XDNTM là nhằm nâng cao đời sống của chính mình nên mỗi khi địa phương vận động đóng góp tiền của, ngày công lao động để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng hoặc đưa các giống lúa, chè có năng suất, chất lượng cao vào canh tác là chúng tôi đều tham gia hưởng ứng nhiệt tình...
Từ thực tế có thể thấy, mặc dù xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều tỉnh trong cả nước nhưng Thái Nguyên vẫn vươn lên trở thành một trong những điểm sáng về phong trào XDNTM của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Theo thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM của tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh có thêm 15 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là: Cao Ngạn, Phúc Hà (T.P Thái Nguyên), Tân Phú, Đắc Sơn (T.X Phổ Yên), Trung Hội, Bảo Cường (Định Hóa), Hóa Thượng, Linh Sơn (Đồng Hỷ), Vạn Thọ, Ký Phú (Đại Từ), Yên Đổ, Vô Tranh (Phú Lương), Xuân Phương, Úc Kỳ (Phú Bình), La Hiên (Võ Nhai). Ngoài ra còn có 3 xã khác là Thuận Thành (T.X Phổ Yên), Khôi Kỳ (Đại Từ) và Thượng Đình (Phú Bình) cũng có thể đạt chuẩn NTM khi đa số các tiêu chí đã gần “chạm chuẩn” của tỉnh.
Đặc biệt, từ những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình XDNTM, hiện nay, tỉnh ta đang hướng đến xây dựng mô hình nông thôn tiên tiến (NTTT). Trên thực tế, mô hình NTTT dựa trên nền tảng 19 tiêu chí NTM nhằm tạo ra những bước đột phá để cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp và phát triển kinh tế. Do đó, với những xã đã đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục nâng cao về chất trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để phấn đấu đạt xã NTTT. Theo kế hoạch, trong năm nay, toàn tỉnh có 3 xã phấn đấu đạt mục tiêu này, gồm: Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ) và Đồng Liên (Phú Bình).
Đồng chí Trần Trọng Chung, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM của tỉnh cho biết: Mô hình xã NTTT được xây dựng trên nền tảng NTM nhưng ở mức độ cao hơn, mở rộng hơn trong một số tiêu chí. Về tương lai của NTTT, các xã thực hiện sẽ có dáng dấp như một đô thị khi có những điểm văn hóa tập trung, có nền sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết "4 nhà" tạo thành chuỗi sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cũng như đa dạng hoá sản phẩm, giúp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.
Để thực hiện mô hình NTTT thành công, 3 xã trên cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án. Cụ thể, xã Phúc Trìu sẽ thực hiện 2 dự án là tưới chè đông và chế biến, tiêu thụ chè. Xã La Bằng thực hiện 4 dự án là nâng cấp chợ của xã, xây dựng trường mầm non, tưới chè đông, chế biến và tiêu thụ chè. Xã Đồng Liên sẽ thực hiện một số dự án như xây dựng các trạm bơm Thùng Ong, Ao Đồng, Đồng Tâm; thành lập 4 HTX chăn nuôi, trồng rau, củ, quả, rau an toàn, hoa cao cấp. Trên cơ sở nguồn lực tài chính của năm 2016, tỉnh cũng sẽ có những hỗ trợ cần thiết để 3 xã thực hiện các dự án hiệu quả.
Có thể thấy rất rõ quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan trong thực hiện mô hình NTTT. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực đó, thì để chương trình này thành công, trong thời gian tới, rất cần có sự đồng thuận từ phía người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần phối hợp với các đoàn thể rà soát, sửa đổi bổ sung Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng cộng đồng, hộ dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung chung; hướng dẫn nhân dân thực hiện các nhiệm vụ của từng cộng đồng, từng hộ gia đình.
Cùng với đó là chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và tham gia xây dựng NTM. Đặc biệt là gắn XDNTM với tái cấu trúc các ngành công nghiệp - xây dựng công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp, thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa nông nghiệp và đưa công nghiệp vừa và nhỏ về nông thôn gắn với phân công lại lao động trong nông nghiệp...
Một vấn đề cần đề cập nữa là, các ngành và hệ thống chính trị nên tổ chức phong trào thi đua, phấn đấu đạt tiêu chí, mục tiêu của ngành và đoàn thể trong XDNTM và NTTT; thường xuyên nắm bắt, phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến ra diện rộng; khen thưởng thỏa đáng các địa phương làm tốt; khen thưởng động viên kịp thời các tổ chức cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong XDNTM...