Lộ trình mới của cây chè

14:41, 02/03/2016

Sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm không ngừng được nâng cao như hiện nay là minh chứng rõ nét khẳng định sản xuất chè ở tỉnh ta đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2015, diện tích chè trong toàn tỉnh là trên 21 nghìn ha, trong đó chè giống mới đạt hơn 13 nghìn ha; sản lượng đạt gần 195 nghìn tấn, với sản lượng chè chế biến là hơn 41 nghìn tấn; sản lượng chè xuất khẩu chiếm 20%...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 775 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” (gồm 12 công ty; 5 doanh nghiệp tư nhân; 17 HTX, câu lạc bộ, làng nghề; 3 đại lý và 738 hộ gia đình). Trên địa bàn tỉnh có 12 công ty, 6 HTX đã xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm chè của đơn vị. Có thể nhận thấy, những kết quả đạt được từ sản xuất chè đã góp phần nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh làm giàu.

 

Tuy nhiên, trong những năm qua, sản phẩm chè của tỉnh chủ yếu vẫn chỉ tiêu thụ trên thị trường trong nước; về chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng “Đệ nhất danh trà”. Quá trình sản xuất, sơ chế chè của người dân chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống với quy mô hộ; chưa có quy hoạch vùng sản xuất chè nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn ít; sản phẩm chè được chế biến công nghiệp chủ yếu là nguyên liệu thô có chất lượng và giá trị kinh tế thấp; các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến chè công nghệ cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chưa nhiều. Ngoài ra, tỷ lệ sản xuất chè theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GAP khác còn thấp (toàn tỉnh hiện mới có 640ha chè sản xuất theo quy trình này); cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung chưa được đầu tư đồng bộ; thương hiệu chè Thái Nguyên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh; chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

 

Một thực tế đáng bàn nữa là trình độ nhận thức của người dân vùng chè không đồng đều nên giá trị sản phẩm thu được giữa các vùng chè đang có một sự chênh lệch rất lớn. Chị Lê Thị Thuý Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Phú Lương luôn được coi là một trong những vùng chè trọng điểm của tỉnh nhưng chất lượng, giá trị sản phẩm chè giữa các vùng trồng chè không đồng đều. Ví dụ, cùng là ở xã Phú Đô, nhưng những hộ sản xuất chè ở các xóm phía Nam của xã với kinh nghiệm trồng chè lâu năm, lại nhanh nhạy trong tiếp nhận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng chè ở khu vực này đạt cao. Giá chè thành phẩm có thể lên tới 300-500 nghìn đồng/kg. Còn với những xóm ở phía Bắc của xã, do chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông... sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế nên bà con chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chè. Bởi vậy, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè ở các xóm này đạt thấp, giá bán mỗi kg chè chỉ bằng 30-50% so với các xã phía Nam.

 

Ngoài những hạn chế nêu trên thì cây chè Thái Nguyên đang gặp không ít khó khăn trước những cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nông sản trong nước khi hội nhập. Nhất là khi trình độ lao động nông nghiệp của tỉnh trong sản xuất sản phẩm chè hàng hoá vẫn còn rất hạn chế... Do đó, để cây chè phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan của tỉnh phải có một lộ trình thích hợp. Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững các sản phẩm chè Thái Nguyên là “đích” đến của tỉnh trong 5 năm tới. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 diện tích chè giống mới chiếm 80% diện tích chè toàn tỉnh, tăng gần 20% so với hiện nay. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ sản xuất chè và chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP khác; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè.

 

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ trồng mới, trồng thay thế chè theo hình thức hỗ trợ 50% giá giống; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ để tiếp tục tăng năng suất, sản lượng chè, phấn đấu năm 2020, diện tích chè của tỉnh dự kiến đạt 23 nghìn ha; năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ha; sản lượng đạt 240 nghìn tấn, trong đó nguyên liệu chè búp tươi cho sản xuất sản phẩm chè xanh chất lượng chiếm 80% trở lên. Một trong những giải pháp mang tính đột phá trong phát triển cây chè là tỉnh ta sẽ tăng nhanh diện tích sản xuất chè an toàn. Theo đó,  mục  tiêu đề ra là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có trên 16,8 nghìn ha thuộc vùng sản xuất chè an toàn, tập trung đủ điều kiện chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

 

Tăng tỷ lệ chế biến công nghiệp, ứng dụng cơ giới hoá trong sơ chế, chế biến từ 50% sản lượng chè trở lên; xây dựng mô hình chế biến chè công nghệ cao, tạo sản phẩm chế biến công nghệ cao từ chè, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cùng là giải pháp mà tỉnh ta đang hướng tới trong năm năm tiếp theo. Nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè tập trung theo hướng hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến Thái Nguyên sẽ xây dựng 7 mô hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chè an toàn tại các địa phương là vùng chè trọng điểm của tỉnh như Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên, T.P Thái Nguyên...