Được đầu tư tiền tỷ để xây dựng nhưng nhanh chóng bị xuống cấp và không phát huy hiệu quả là thực trạng của nhiều công trình nước sinh hoạt tự chảy ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy tại xã Mỹ Yên (Đại Từ) lại nằm trong số ít những công trình hoạt động hiệu quả nhờ có mô hình quản lý phù hợp.
Có thể chứng minh hiệu quả sử dụng của công trình nước sinh hoạt tự chảy ở xã Mỹ Yên qua những con số: Dự án được thực hiện từ năm 2003, có tổng kinh phí đầu tư 3,8 tỷ đồng, với mục tiêu cấp nước sạch cho 300 hộ dân của 11 xóm trong xã. Hiện, công trình đang cấp nước ổn định cho 947 hộ thuộc 17 xóm trong xã, cùng một số hộ thuộc xã Bình Thuận (Đại Từ). Theo bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên thì việc thành lập và đi vào hoạt động của HTX Dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên với lĩnh vực hoạt động chính là quản lý và điều tiết nguồn nước sinh hoạt tự chảy này là lý do chính giúp công trình phát huy được hiệu quả.
Ban đầu, công trình nước sinh hoạt tự chảy ở xã Mỹ Yên được giao cho một tổ tự quản (do địa phương thành lập) quản lý, vận hành. Tuy nhiên, do số lượng thành viên ít, quy chế hoạt động chưa chặt chẽ nên tổ tự quản không phát huy được vai trò. Sau gần 1 năm, mô hình quản lý công trình theo hình thức HTX ra đời (theo gợi ý của Liên minh HTX tỉnh) nhằm khắc phục hạn chế này. Ông Đào Ngọc Lan, Giám đốc HTX cho biết: Qua một số lần kiện toàn, hiện nay HTX có 9 thành viên và một cán bộ hợp đồng. Chúng tôi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, cơ cấu tổ chức gồm giám đốc, 1 phó giám đốc, có tổ kỹ thuật, tổ thu phí và kế toán để phụ trách từng phần việc cụ thể.
Thực tế cho thấy, các công trình nước sinh hoạt tự chảy nông thôn không phát huy hiệu quả chủ yếu có nguyên nhân là chất lượng nước không đảm bảo và tỷ lệ thất thoát lớn. Nắm bắt được điều này, HTX Dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên đã tập trung khắc phục những nhược điểm đó. Anh Nguyễn Văn Thắng, thuộc tổ kỹ thuật của HTX cho biết: Để đảm bảo chất lượng nguồn nước, chúng tôi xây dựng quy chế hằng tháng đều tổ chức phát quang, cọ rửa bể chứa, kiểm tra và duy tu hệ thống đường ống. HTX cũng phối hợp với các xóm khu vực đầu nguồn tuyên truyền người dân giữ rừng để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt tự chảy ổn định kể cả trong mùa khô; ký cam kết với khách hàng sử dụng nước tiết kiệm và đúng mục đích. Trường hợp cố tình lợi dụng tháo nước xuống ao hoặc sử dụng tưới cho cây trồng nếu bị phát hiện sẽ phải nộp phạt theo quy định. Ngoài ra, việc lắp đặt đồng hồ và thu phí sử dụng 3 nghìn đồng/m3 cũng giúp người dân có ý thức tiết kiệm hơn trong việc sử dụng nước.
Nhờ giá thu phí phù hợp, chất lượng nước đảm bảo nên hầu hết khách hàng của HTX đều hài lòng. Chị Lục Thị Lân, ở xóm Đầm Gành, xã Mỹ Yên cho biết: Gia đình tôi có cả giếng khơi nhưng vẫn sử dụng chủ yếu nguồn nước sinh hoạt tự chảy với khối lượng khoảng 20m3/tháng. Tuy có mất một chút phí nhưng bù lại chúng tôi yên tâm về chất lượng và nguồn nước luôn ổn định.
Với số tiền phí sử dụng thu được mỗi tháng khoảng 15-16 triệu đồng, bên cạnh việc trả lương cho các thành viên, HTX Dịch vụ nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên đã tiết kiệm để đầu tư phát triển hệ thống đường ống dẫn và bể chứa nhằm phục vụ được nhiều hơn khách hàng. Trong năm 2015, HTX đã đầu tư hơn 60 triệu đồng xây dựng bể trung chuyển và lắp đặt đường ống để cấp nước cho gần 100 gia đình thuộc xóm Bắc Hà 1, 2, xã Mỹ Yên và một số hộ dân của xã Bình Thuận.
Hơn 10 năm là người đứng đầu HTX Dịch vụ nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên, ông Đào Ngọc Lan nhận định: Theo tôi, hình thức quản lý phù hợp là yếu tố quan trọng giúp cho các công trình nước sinh hoạt ở nông thôn phát huy hiệu quả. Quản lý công trình nước sinh hoạt tự chảy theo mô hình HTX rất phù hợp bởi với tư cách như một doanh nghiệp, chúng tôi có điều kiện tự chủ về tài chính, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp, đồng thời ý thức và trách nhiệm của mỗi thành viên cũng phải cao hơn nhằm phục vụ tốt khách hàng, từ đó đảm bảo nguồn thu nhập của bản thân.