Sau Tết Nguyên đán, số lượng lớn đàn vật nuôi đã được tiêu thụ. Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang tập trung tái đàn để phục vụ sản xuất, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Lê Viết Ly, ở xóm Đồng Nghè 2, xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi thấy các công đoạn như tuyển chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo nguồn nước sạch, thức ăn chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh... đều được tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Ly cho biết: Đàn lợn nhà tôi mới nuôi được gần 1 tháng. Nhờ quan tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như chú trọng công tác chọn giống mà đàn lợn hơn 500 con của gia đình tôi phát triển tốt, nhanh lớn. Ngoài ra, nhà tôi cũng quan tâm tới công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc và xử lý nguồn nước thải để không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Anh Trần Đình Bảy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Sau Tết, thời tiết ấm dần lên là điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi mua con giống, tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm với gia súc, gia cầm. Giá cả hầu hết các loại gia súc, gia cầm đều ổn định so với trước Tết. Hầu hết, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại, gia trại đều đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, ban ngày trời nắng ấm, ban đêm nhiệt độ hạ thấp, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian này, ngành Nông nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng đàn để chuẩn bị công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh, như: dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn… trên địa bàn toàn tỉnh và dự kiến trong tháng 3 này sẽ tiến hành tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Đối với các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ; đồng thời, khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc, hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
Còn anh Dương Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công (T.X Phổ Yên) thì cho biết: Để hỗ trợ công tác tái đàn ở địa phương, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển ổn định, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã, phân công nhiệm vụ vụ thể cho các thành viên và tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi quy mô lớn cũng đã chủ động mua vắc xin về tiêm phòng để tránh thiệt hại về kinh tế.
Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế hộ chăn nuôi, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoạt động tái đàn, chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi; cùng với đó là tăng cường kiểm tra chất lượng, thức ăn chăn nuôi, con giống, kiểm dịch động vật. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình, tích cực chuyển hướng trong chăn nuôi an toàn sinh học, mặt khác theo dõi diễn biến thị trường để cân đối đàn cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ.
Với mục tiêu đảm bảo đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm 2016 phát triển ổn định với số lượng đàn trâu đạt 60.000 con, đàn bò đạt 40.000 con, đàn lợn đạt 600.000 con, tổng đàn gia cầm đạt 11 triệu con, phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 108.800 tấn thì ngay từ những tháng đầu năm, ngành chức năng đã khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động tái đàn và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo tiêm phòng triệt để các loại bệnh nguy hiểm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường, các trang trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học, khép kín; nhập con giống ở các cơ sở bảo đảm chất lượng để kiểm soát được nguồn bệnh… tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ chăn nuôi mới.