Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống người dân xã Tân Quang, T.P Sông Công đã được cải thiện rõ rệt. Tháng 2 vừa qua, xã đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Ông Dương Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Tuy không phải là xã điểm XDNTM của tỉnh nhưng là xã được chọn để đầu tư về đích năm 2015 của T.P Sông Công. Những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh và Thành phố, xã cũng đã huy động người dân chung sức đóng góp thực hiện. Hằng năm, UBND xã và Ban chỉ đạo chương trình XDNTM xã thường xuyên kiện toàn, phân công các thành viên trong Ban phụ trách từng xóm để theo dõi, kiểm tra, giám sát các công trình, đảm bảo xây dựng đúng kế hoạch, đúng thiết kế và quy trình. Thông qua các cuộc họp, cấp ủy, chính quyền xã đã thống nhất và đưa ra các phương án, lộ trình XDNTM tới 12 xóm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cùng chung sức đóng góp, thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là động lực góp phần đẩy nhanh quá trình XDNTM, xã Tân Quang đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các mô hình giống cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất cao vào sản xuất như lúa lai, khoai tây thương phẩm... đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, sản xuất nông nghiệp kết hợp với buôn bán, dịch vụ. Nhờ vậy, thu nhập của người dân đã tăng từ 9 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 lên 28 triệu đồng/người/năm trong 2015. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống chỉ còn 1,88%.
Tính đến đầu năm 2015, xã Tân Quang cơ bản hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu này, xã đã triển khai đến các xóm và các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong XDNTM; vận động người dân sẵn sàng thực hiện đối ứng xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, phấn đấu xây dựng xong trước quý III của năm. Do đó, để hoàn thiện tiêu chí giao thông, trong vòng 9 tháng, người dân các xóm đã thi công thêm được 13 công trình đường trục, ngõ xóm, nội đồng, cứng hóa được trên 29km (đạt tỷ lệ trên 58%), trong đó nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thời điểm đó, xã mới chỉ có 1/12 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn, còn lại đều ở trong tình trạng cần xây mới hoặc sửa chữa lại.
Qua việc tổ chức khảo sát hiện trạng và nhu cầu của các xóm, xã đã lập danh sách 7 xóm xây mới, 4 xóm sửa chữa cần được hỗ trợ. Do đó, Thành phố đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi nhà văn hóa xây mới, 50 triệu đồng cho nhà văn hoá sửa chữa, đến nay 12/12 xóm đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Chị Trần Thị Hợi, người dân xóm La Chưỡng phấn khởi chia sẻ: Qua vận động tuyên truyền, chúng tôi hiểu được Chương trình XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, việc xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông là phục vụ lợi ích, nhu cầu sinh hoạt của chính người dân. Do vậy khi xã, xóm có thông báo về các khoản đóng góp, đối ứng, gia đình tôi và người dân trong xóm đều đồng tình.
Cùng với 2 tiêu chí trên thì môi trường được coi là khó thực hiện nhất bởi đây là tiêu chí động, phụ thuộc chủ yếu vào ý thức người dân. Do vậy, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, xã Tân Quang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần chủ động của người dân, thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường. Trong năm 2015, xã đã cho lắp đặt 120 bể thu gom rác thải tại các cánh đồng, xây dựng điểm tập kết rác thải rộng trên 150m2, góp phần giảm thiểu việc vứt rác bừa bãi của người dân. Ngoài ra, ở các xóm La Doan, La Chưỡng, Bài Lài, Tân Mỹ, vì dân cư phân bố không tập trung nên gây khó khăn cho công tác thu gom rác. Do vậy, ngoài việc mỗi hộ gia đình đều có một hố chôn những loại rác thải tự phân hủy, với loại không thể phân hủy, rác nguy hại, xã đã vận động các xóm trên thành lập đội tự quản với 3 thành viên, 1 tuần thực hiện thu từ 2 đến 3 lần, tập kết rác tại nơi quy định. Đối với những xóm ở khu vực trung tâm thì việc thu gom rác thải do Công ty môi trường Thành phố đảm nhiệm theo đúng hợp đồng. Cùng với đó xã đã ban hành hương ước về việc giữ gìn vệ sinh môi trường cho các xóm và có hình thức thưởng phạt theo quy định.
Trong những năm tiếp theo, xã Tân Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí. Trong đó, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, vận động người dân thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, dòng họ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quyết liệt ngăn chặn tệ nạn xã hội... là nhiệm vụ thiết yếu.