Tinh thần khởi nghiệp

09:52, 05/03/2016

Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và khởi nghiệp thành công trong môi trường chuyên nghiệp là điều kiện cần để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh; đảm nhận vai trò xung kích, nắm bắt cơ hội và tạo động lực chủ yếu phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Muốn có được một lực lượng doanh nhân đông đảo, không chụp giật thì điều kiện là phải có thể chế đảm bảo người nào có ý tưởng tốt, làm ăn bài bản sẽ giàu có. Nếu để doanh nghiệp nhà nước vẫn có những đặc quyền hoặc lợi thế áp đảo trong tiếp cận đất đai, vốn, các dự án công, để rồi có những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp sống bằng mối quan hệ... thì đó là cách nhanh nhất phá tan các nỗ lực khởi nghiệp. Khi đó người ta sẽ theo “thị trường quan hệ, công nghệ phong bì”.

Theo khảo sát “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” mới nhất do TUM - trường đại học hàng đầu nước Đức và GfK - Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung phối hợp thực hiện, Việt Nam được xếp thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái-lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Mức tăng trưởng tương đối cao của nền kinh tế, tốc độ mở cửa nhanh của thị trường nhờ quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết và quan trọng nhất là sự bùng nổ về công nghệ đang mang đến “cơ hội vàng” cho cộng đồng khởi nghiệp ở nước ta. Nổi bật là đội ngũ những người trẻ được đào tạo tương đối bài bản, tràn đầy khát khao và quyết tâm vươn tới thành công. Tuy nhiên, dường như một số bạn trẻ mới chỉ “giàu” đam mê, còn vẫn “nghèo” các kiến thức cơ bản, cần thiết cho khởi nghiệp.

 

Hiện cả nước có khoảng nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ trung bình 200 người dân mới có một doanh nghiệp, thấp hơn hàng chục lần các nước phát triển trên thế giới. Mỗi năm nước ta cũng có thêm vài chục nghìn doanh nghiệp mới thành lập, hàng nghìn ý tưởng sáng tạo và kinh doanh chờ được hỗ trợ khởi nghiệp. Động lực khởi nghiệp không chỉ từ nhu cầu mưu sinh, kiếm sống, mà còn từ khát khao hoàn thiện bản thân, cống hiến cho đất nước, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.
Trên địa bàn tỉnh, cùng với cả nước, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng đã và đang tích cực phấn đấu với nhiều ý tưởng khởi nghiệp năng động, sáng tạo. Những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của tình hình khu vực và thế giới cũng như trong nước, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, song cũng không ít doanh nghiệp mới được thành lập với nhiều ý tưởng táo bạo, quyết đoán, sẵn sàng hội nhập. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ, tri thức được cập nhật, phổ cập rộng rãi đã giúp các bạn trẻ ngày càng nắm bắt rõ hơn về cuộc sống xã hội và “nảy” ra hàng loạt ý tưởng để khởi nghiệp. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là mỗi người phải phấn đấu biến ý tưởng thành hiện thực.

 

Bởi vậy, muốn thành công khi khởi nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, trước hết, các bạn trẻ cần phải có trình độ và sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đó; cùng với sự bươn chải tìm ra những mảng, miếng hợp lý giúp cho ý tưởng được hiện thực hóa. Những kiến thức để khởi động doanh nghiệp, cách thức tìm kiếm nhà đầu tư cũng là những công cụ không thể thiếu giúp khởi nghiệp thành công. Trước khi làm việc gì, chúng ta hãy tự hỏi mình thật sự giỏi việc gì và sẽ làm việc đó như thế nào; đồng thời cũng phải biết được mình đang thiếu kỹ năng gì để chủ động bổ sung và khắc phục những điểm yếu.

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thay vì tìm tòi, sáng tạo để khẳng định mình, lại đang có xu hướng “sao chép” lại các ý tưởng sẵn có. Mặc dù có thể thành công và có thu nhập ban đầu, song đã vi phạm thuộc tính cơ bản nhất của khởi nghiệp là sự sáng tạo.

 

Mỗi người khi khởi nghiệp đều nung nấu ước mơ làm giàu, nhưng vượt lên tất cả, họ đều sở hữu một “tinh thần khởi nghiệp” rất cao thượng, chính là lý tưởng mong muốn được khẳng định mình. Đừng quan tâm quá nhiều đến việc sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, mà hãy để khát khao sáng tạo được phát huy, chắp cánh cho ước mơ của mình.

 

Để khởi nghiệp thành công, ngoài năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, mô hình quản trị kinh doanh, mục tiêu, tiềm năng thị trường và ý chí khởi nghiệp, các doanh nhân và doanh nghiệp rất cần môi trường - “bà đỡ” khởi nghiệp chuyên nghiệp và lành mạnh; mong muốn Nhà nước thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; bảo đảm quyền tự do sáng tạo, kinh doanh và cạnh tranh công bằng; phát triển các thể chế chuyên biệt, đặc thù để hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là các quỹ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm...

 

Các hiệp hội, địa phương và ngành cũng cần mở rộng các hoạt động giao lưu và đào tạo, thi khởi nghiệp, tìm các nhà đầu tư tài trợ cho những dự án có tính khả thi; tăng cường tuyên truyền trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh.

 


Năm 2016, nước ta đã ký Hiệp định TPP và là năm chuẩn bị cho cuộc hội nhập thế kỷ. Trân trọng khởi nghiệp, tăng cường vai trò Nhà nước và hỗ trợ của cộng đồng thúc đẩy khởi nghiệp phải trở thành nhận thức và hành động cụ thể, nghĩa vụ và đạo đức xã hội để vừa ích nước, vừa lợi nhà.