Xây dựng vùng sản xuất chè đặc sản Phúc Thuận

16:17, 19/03/2016

Xã Phúc Thuận là vùng trồng chè lớn nhất của T.X Phổ Yên. Sản phẩm chè Phúc Thuận có hương thơm dịu, vị ngọt hậu đặc trưng nên được nhiều người ưa dùng. Những năm gần đây, bà con Phúc Thuận ngoài việc mở rộng diện tích, chuyển đổi giống chè còn áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGap nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chè, từng bước xây dựng Phúc Thuận thành vùng sản xuất chè đặc sản của Thái Nguyên.

Đồng chí Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phúc Thuận nằm ở phía tây của thị xã Phổ Yên, toàn xã có 28 xóm trồng chè thì có 10 xóm đã được công nhận là làng nghề sản xuất chè truyền thống. Hiện xã có 563ha chè, trong đó hơn 300ha là các giống chè mới, có năng suất và chất lượng cao như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, 452ha đang cho thu hoạch với sản lượng mỗi năm thu 915,705 tấn. Xác định, để xây dựng nơi đây thành vùng sản xuất chè đặc sản thì yếu tố chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, bà con Phúc Thuận đã không ngừng áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và chế biến chè. Đặc biệt, năm 2012, xã đã thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng sản xuất chè an toàn với tổng diện tích là 67,5ha, 134 hộ tham gia tại 2 xóm: Bãi Hu và Đức Phú.

 

Tham gia Dự án này, xã đã được đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng của vùng chè tập trung, hệ thống kênh mương phục vụ cho tưới tiêu trên cánh đồng chè, các điểm thu gom rác thải tại canh đồng chè, nhà đóng gói và bảo quản sản phẩm, máy hút chân không, máy đánh hương. Bên cạnh đó, hằng năm thực hiện cải tạo, trồng thay thế giống chè trung du bằng giống chè cành LDP1. Ngoài ra, các hộ tham gia được hỗ trợ tập huấn và đào tạo về kỹ thuật sản xuất chè, đồng thời được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

 

Ông Nguyễn Hữu Khương, một người dân làm chè nhiều năm ở xóm Bãi Hu cho biết: Sản xuất chè theo quy trình VietGap không khó, quan trọng là phải thường xuyên cập nhật sổ sách, ghi chép về tình hình sản xuất, yếu tố nguồn nước tưới, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thời gian quy định... Nếu như trước đây, mỗi lứa chè người dân phải phun thuốc 2 đến 3 lần mới được thu hoạch thì nay đã giảm xuống còn 1 lần, cách ly thời gian thu hái dài. Gia đình tôi 10 sào chè, trong đó 6 sào tôi thực hiện theo quy trình VietGap, còn lại trồng, chăm sóc theo truyền thống. So sánh giữa 2 diện tích thì thấy rõ rằng, chè được trồng, chăm sóc đúng theo quy trình VietGap có năng suất cao hơn chè thường khoảng 20%, các chi phí sản xuất như phân hóa học, thuốc trừ sâu... giảm đáng kể và đương nhiên sản phẩm chè này rất an toàn cho sức khỏe con người, vì thế mà giá bán tăng từ 50-100 nghìn đồng/kg. Hiện nay, với năng suất bình quân khoảng 25kg/sào/lứa, mỗi năm 6 lứa, gia đình tôi thu 1,5 tấn.

 

Phạm Văn Yên, Trưởng xóm Bãi Hu chia sẻ: Toàn xóm có 180 hộ thì có tới hơn 120 hộ làm chè. Tổng diện tích chè của xóm khoảng trên 20ha. Do được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa những giống mới vào nên năng suất, chất lượng chè của xóm không ngừng được nâng lên. Đến nay, toàn bộ diện tích chè của xóm đã được thay thế bằng các giống chè cành như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Mỗi năm, xóm cung cấp trên 130 tấn chè búp khô ra thị trường, tăng khoảng 40 tấn so với năm 2003.

 

Không riêng Bãi Hu và Đức Phú, mà đến nay việc áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap đã lan ra các xóm khác như: Xóm 7 với tổng số 10ha, 27 hộ tham gia; xóm Thượng Kết: 30ha với trên 100 hộ trồng. Hiện, tổng diện tích chè được sản xuất theo quy trình này của xã là gần 100ha. Hiệu quả từ việc sản xuất chè theo quy trình VietGap cũng đã được khẳng định thông qua năng suất, sản lượng và giá bán chè của địa phương không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Năng suất chè bình quân ở xã hiện nay là trên 2 tấn/ha, tăng 20% so với năm 2010, sản lượng mỗi năm xã xuất ra thị trường trên 900.000 tấn với giá trị 137 tỷ đồng. Nhờ kết quả này, cây chè đã thực sự trở thành cây làm giàu cho bà con xã Phúc Thuận. Với mục tiêu tiếp tục đầu tư cho cây chè, xây dựng Phúc Thuận thành vùng chuyên sản xuất chè đặc sản của Thái Nguyên, Phúc Thuận có kế hoạch mỗi năm trồng mới và thay thế khoảng 30ha chè bằng các giống chè lai có chất lượng tốt. Riêng năm 2016, xã có kế hoạch trồng mới, trồng lại 30ha, trong đó 12ha là giống LDP1, còn lại là các giống như: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Hiện, bà con đang làm đất, một số nơi đã tiến hành trồng, dự kiến sang đầu tháng 4 sẽ hoàn thành toàn bộ diện tích đã thiết kế. Bên cạnh đó, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, không ngừng mở rộng diện tích và tăng số hộ dân được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, từng bước xây dựng thương hiệu chè Phúc Thuận bằng chính chất lượng sản phẩm.