Kể từ khi Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu (chính thức có hiệu lực từ ngày 22-3-2016), thị trường thép đã sôi động trở lại, đẩy giá thép thành phẩm tăng cao. Thực tế đó phần nào gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư toàn xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phản ánh tình hình kinh doanh thép và tâm lý của người tiêu dùng trên địa bàn T.P Thái Nguyên.
Để tìm hiểu về vấn đề thép thành phẩm tăng giá, chúng tôi đã trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh sắt thép nằm trên các tuyến đường Thanh niên xung phong và Cách mạng Tháng Tám - khu vực được xem là buôn bán sắt thép sầm uất nhất trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Những ngày này, rất nhiều xe ô tô trọng tải lớn chở sắt thép lưu thông trên đường; người dân có nhu cầu mua thép xây dựng cũng ra vào tấp nập; sắt thép được bốc dỡ, vận chuyển đi khắp nơi.
Tại DN tư nhân kim khí Luyến Dung (số 682, đường Thanh niên xung phong, phường Gia Sàng), chúng tôi được biết: Giá thép hiện nay tăng cao hơn mọi năm một chút, dao động trong khoảng 11,3-11,7 triệu đồng/tấn (tùy chủng loại), cao nhất là fi 1 với giá 14,5 triệu đồng (bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tương tự như vậy, giá bán trung bình của DN tư nhân sắt thép 27-7 (số 622, đường Cách mạng Tháng Tám, phường Gia Sàng) là 11,5 triệu đồng/tấn, tăng trung bình gần 1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, trước đây mỗi ngày DN xuất ra khoảng 50-60 tấn thép, còn hiện nay con số đó đã tăng lên gấp đôi.
Khi được hỏi về nguyên nhân tăng giá thép, hầu hết đại diện các DN đều lý giải: Vào thời điểm từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ sắt thép luôn tăng cao. Đặc biệt, kể từ Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, giá thép thành phẩm có tăng so với mọi năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, sự tăng giá tự phát là khó xảy ra. Các DN bán lẻ (đại lý cấp 2) đều căn cứ vào giá của nhà sản xuất cùng một số chi phí (vận chuyển, bốc dỡ, cắt thép…) để đưa ra giá bán hợp lý nhất. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc DN tư nhân kim khí Luyến Dung cho biết: Giá thép tăng mạnh nên người tiêu dùng sẽ có sự tham khảo kỹ lưỡng trước khi mua hàng, một DN đơn lẻ đương nhiên không thể tự ý tăng giá quá cao so với giá trung bình trên thị trường, chắc chắn sẽ không bán được hàng. DN chúng tôi đã xem xét đưa ra giá có lợi nhất cho người tiêu dùng, đồng thời đáp ứng tối đa có thể nhu cầu mua hàng hóa của người dân. Riêng trong tháng cao điểm, mỗi ngày chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 150 tấn thép, trung bình trên 2.000 tấn/tháng, cung ứng chủ yếu cho các đại lý cấp 3, chủ thầu xây dựng và người tiêu dùng.
Có thể thấy rằng, việc Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu đã giúp bảo vệ các DN. Trái lại, lợi ích của chủ đầu tư và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuyển, Phó phòng Tư vấn thiết kế số 2, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Thái Nguyên cho biết: Đối với các công trình, dự án chưa thi công thì giá thép tăng sẽ được cộng thêm vào công trình và cuối cùng thì chủ đầu tư sẽ phải gánh thiệt thòi. Đối với những công trình sử dụng vốn Nhà nước đang thi công mà dự toán kinh phí đã cố định về giá thép, nếu không chịu được mức tăng này thì có thể phải dừng thi công, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Gia đình bà Vương Thị Phong, ở khu dân cư số 9 (phường Gia Sàng) đang tiến hành xây dựng nhà ở trên diện tích 260m2. Khi được hỏi về những khó khăn, bà chia sẻ: Giá thép cùng một số vật liệu xây dựng khác hiện nay đồng loạt tăng cao khiến những người dân như chúng tôi không xoay sở kịp, công trình đang thi công không thể dừng lại, chỉ còn cách thương lượng với các đại lý giảm được đồng nào hay đồng ấy.
Theo tìm hiểu, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 25-30% tổng giá thành xây dựng, do vậy nhiều người dân không gánh nổi chi phí vật liệu tăng cao. Có ngôi nhà hai tầng đang thi công đúng thời điểm giá thép tăng, bà Lê Thị Ngân, tổ 20, phường Thịnh Đán không tránh khỏi băn khoăn: Để hoàn thành ngôi nhà này, tôi dự kiến cần trên 6 tấn thép xây dựng. Giá thép bất ngờ tăng cao trong khi số vốn có hạn cho nên tôi buộc phải thu hẹp diện tích ngôi nhà so với thiết kế ban đầu, một số vật liệu cũng được cân nhắc chuyển sang chủng loại có giá rẻ hơn để cân đối chi phí. Hay như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Luật, tổ 12, phường Tân Long, gia đình anh có kế hoạch xây nhà riêng nhưng do giá cả vật liệu xây dựng hiện nay quá cao nên vợ chồng anh quyết định tiếp tục ở cùng ông bà nội, chờ giá vật liệu ổn định mới tiến hành xây nhà.
Tâm sự của những người dân nói trên cũng chính là suy nghĩ của hầu hết các chủ đầu tư xây dựng, người tiêu dùng thép trong thời gian này. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp bền vững để bảo vệ nền sản xuất trong nước, đồng thời có cơ chế thích hợp để ổn định thị trường thép, giúp người tiêu dùng vơi bớt nỗi lo bởi giá cả lên xuống khó lường.