Theo dự báo, năm 2016, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, mưa lớn, bão, gió lốc xoáy, lũ quét có nguy cơ gia tăng, nên ngay từ đầu năm, thị xã Phổ Yên đã chuẩn bị lực lượng, phương án theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng nhằm chủ động trong phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra.
Đồng chí Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã cho biết: Từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) năm 2015, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN năm 2016. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án PCLB&TKCN năm nay cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó, Thị xã cũng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Ngoài ra, tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, các công trình khác và tìm kiếm cứu nạn.
Phổ Yên là địa phương có tổng chiều dài đê lớn nhất tỉnh, toàn thị xã có trên 30km đê bảo vệ phòng lũ cho thị xã, tuyến đê Trung ương dài gần 29km, đê tỉnh dài trên 2km. Hệ thống công trình trên đê gồm có: 15 tuyến kè và 13 cống tiêu nước. Hằng năm, Thị xã thường xuyên kiện toàn lại đội ngũ thủ kè, thủ cống, đội quản lý đê nhân dân trên hệ thống đê thuộc sông Công, sông Cầu để đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Để bảo vệ sự an toàn của các tuyến đê trong mùa mưa bão năm nay, đến nay, thị xã đã tiến hành kiểm tra lại chất lượng toàn bộ các công trình đê, kè, cống, hồ đập, trạm bơm tưới tiêu, hệ thống kênh mương… qua đó nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng cần khắc phục sửa chữa ngay, có biện pháp bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, thị xã đã chỉ đạo đôn đốc, duy trì tốt hoạt động của đội ngũ quản lý đê, thủ kè, thủ cống.
Ông Trần Thế Đạt, Hạt phó Hạt quản lý đê Phổ Yên cho biết: Hạt có nhiệm vụ quản lý trên 20km đê thuộc 3 tuyến: Chã, Sông Công, Vạn Phái. Để xây dựng phương án bảo vệ an toàn và hộ đê, chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ các tuyến đê, kè, cống, qua đó xác định các vị trí xung yếu và trọng điểm là: Thân đê Chã tại Km5+500-K6, K9+250-K9+350; mái đê tại vị trí cống số 3 - K6+430 đê Chã. Ngoài ra, còn một số cống mới thi công xong và các đoạn đang thi công… Đối với các vị trí này, chúng tôi đã có phương án riêng, chuẩn bị vật tư, lực lượng đề phòng khi có tình huống xảy ra.
Về hệ thống hồ đập của huyện gồm các hồ chứa: Suối Lạnh (xã Thành Công); đập Hàm Rồng, đập Bến Đông, hồ Nước Hai, hồ Quyết Thắng, đập Hồng Phong, Hồng Cóc (xã Phúc Thuận); hồ Núi Chẽ, đập Líp (xã Minh Đức)… Đến nay, các hồ, đập đều đã được cải tạo. Tuy nhiên, để đề phòng những tình huống khẩn cấp, thị xã cũng đã có phương án theo từng cấp báo động. Khi mực nước hồ vượt quá mức báo động cấp III, thị xã sẽ đi kiểm tra liên tục, đặc biệt là vào ban đêm để huy động lực lượng ứng cứu kịp thời cũng như chuẩn bị công tác di dời dân.
Mấy ngày nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa lớn, điều này cho thấy mùa mưa năm nay bắt đầu sớm hơn so với mọi năm. Trên địa bàn T.X Phổ Yên tuy lưu lượng mưa không lớn bằng các địa phương khác, song thị xã cũng đã chỉ đạo các xã, phường, ngành chức năng chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, vật tư như: phao cứu sinh, áo phao, nhà bạt, dây thừng, bao tải dứa, đá… đồng thời dự trữ các vật tư thiết bị như: xuồng máy, quang gánh, cuốc xẻng, bạt dứa, đá hộc, đá răm, cát… tại 2 kho vật tư và các địa bàn trọng điểm về nguy cơ xảy ra thiên tai. Cùng với đó, Phổ Yên đang tập trung tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân trong công tác phòng chống thiên tai, từ đó chủ động đề phòng và làm tốt công tác đối phó, khắc phục khi có thiên tai xảy ra tại địa phương.