Với diện tích đất rừng lớn, địa hình hiểm trở, dân cư sinh sống trong rừng và khu vực liền kề đông nên việc phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của huyện Võ Nhai gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn và đạt hiệu quả cao…
Nhiều năm trước, hiện tượng khai thác lâm sản trái phép và cháy rừng ở Võ Nhai diễn ra hết sức phức tạp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. Trong đó, lực lượng kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt đã tham mưu cho chính quyền địa phương và chủ động thực hiện nhiều biện pháp nên công tác PCCCR đạt hiệu quả cao. Đồng chí Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cho biết: Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng nói chung và PCCCR nói riêng của người dân và các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã “giảm nhiệt”. Trong năm 2014, trên địa bàn huyện xảy ra 1 vụ cháy nhưng thiệt không đáng kể, riêng trong năm 2015, huyện đã không để xảy ra cháy rừng. Có được kết quả trên, là nhờ sự vào cuộc quyết liệt và thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCCCR của cơ quan chức năng từ cấp huyện đến cấp cơ sở…
Một trong những khu vực khó khăn đối với công tác PCCCR ở Võ Nhai được xác định là vùng rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng với diện tích hơn 19.000ha, diện tích này nằm trên địa bàn 8/15 xã, thị trấn của huyện và được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng quản lý. Việc hàng nghìn hộ dân sinh sống trong khu rừng đặc dụng và khu vực liền kề nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng chia sẻ: Phần lớn người dân trong khu vực có ít đất sản xuất, đời sống khó khăn nên ngoài tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thì việc hướng dẫn người dân phát triển kinh tế là một giải pháp quan trọng để giảm áp lực lên rừng. Trong năm 2014, bằng nguồn vốn Nhà nước, đơn vị đã triển khai Dự án trồng chuối tây dưới tán rừng ở xã Thượng Nung. Trong đó, người dân tham gia Dự án sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng chuối. Đến nay, diện tích chuối của dự án đã mở rộng lên 7ha và đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã chủ động hướng dẫn người dân trồng xen kẽ với sắn để tạo thêm thu nhập trong thời gian cây trồng chưa cho thu hoạch… Bà Nông Thị Mà, xóm Nà Lẹng, xã Nghinh Tường cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng rừng sản xuất nhưng không tiến hành trồng xen canh thêm loại cây trồng khác nên trong thời gian cây chưa cho khai thác thì không có thu nhập thêm. Do vậy, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây phải vào rừng lấy măng hoặc củi để bán. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nên gia đình tôi đã trồng xen canh thêm sắn. Do vậy, đến nay gia đình có nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi và để bán nên kinh tế cũng dần ổn định…
Võ Nhai là một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh (gần 63.000ha). Trong đó, diện tích rừng đặc dụng gần 19,4 nghìn ha, rừng phòng hộ gần 18 nghìn ha, diện tích còn lại là rừng sản xuất nên việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng núi đá lớn, có địa hình phức tạp, nếu xảy ra cháy thì rất khó chữa và nguy hiểm cho lực lượng tham gia chữa cháy. Vì vậy, diễn tập PCCCR là việc cần thiết để nâng cao ý thức, kiến thức thực hành cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ” vẫn còn hạn chế, kinh phí tổ chức diễn tập PCCCR cho người dân chưa có. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần có nguồn kinh phí hỗ trợ, kịp thời trang bị phương tiện cho lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ khi mùa khô sắp tới được dự báo là có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao…