Nâng cao chất lượng các làng nghề

10:54, 26/04/2016

Bằng việc thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển làng nghề, những năm gần đây, số lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 42 làng nghề thì nay con số ấy đã tăng lên 162 làng nghề. Cùng với việc phát triển nhanh chóng về số lượng thì quy mô và chất lượng hoạt động của các làng nghề cũng được mở rộng, nâng cao…

Làng nghề truyền thống Tương nếp Úc Kỳ, xã Úc Kỳ (Phú Bình) là một trong 28 làng nghề mới được UBND tỉnh công nhận vào cuối năm 2015. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳcho biết: Làm tương nếp là nghề phụ truyền thống của người dân địa phương từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, nghề này mới thực sự phát triển và dần trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình. Toàn xã hiện có 1.600 hộn dân thì có đến hơn 250 hộ chuyên sản xuất tương với số lượng lớn. Trung bình mỗi năm, người dân trong xã sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu lít tương, đem lại doanh thu  khoảng 20 tỷ đồng.

 

Ngay sau khi được công nhận, làng nghề truyền thống Tương nếp Úc Kỳ đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng cổng làng nghề và tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện mở lớp tập huấn sản xuất theo tương các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký thương hiệu và tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường… Nhờ đó, sản phẩm tương nếp Úc Kỳ ngày càng lan tỏa rộng rãi và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đến nay, tương nếp của làng nghề sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Bà Dương Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất tương nếp lâu năm của làng nghề cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ có 100 chum tương nhưng từ đầu năm 2016, tôi đã đầu tư thêm 70 chum, mỗi tháng sản xuất trên 7.000 lít tương nếp nhưng vẫn không đủ bán. Hiện tại, mỗi lít tương nếp có giá 30 nghìn đồng, cao hơn 10 nghìn đồng/lít so với thời điểm đầu năm 2015. Với giá bán đó, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian tới gia đình tôi dự định sẽ thuê thêm lao động để tăng quy mô sản xuất lên khoảng 10 nghìn lít tương/tháng. Không riêng gia đình bà Loan mà nhiều hộ gia đình khác của làng nghề cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hơn nữa sản lượng cũng như chất lượng tương nếp.

 

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 162 làng nghề và làng nghề truyền thống với trên 33 nghìn lao động. Tuy nhiên, do các cơ sở sản xuất làng nghề đều có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu nên năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Để khắc phục hạn chế đó, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề nhằm tạo động lực thúc đẩy người dân làng nghề vươn lên phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập… Cụ thể, ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận, mỗi làng nghề sẽ được hỗ trợ 35 triệu đồng/làng nghề và 40 triệu đồng/làng nghề truyền thống để xây dựng cổng làng nghề và tổ chức lễ đón Bằng công nhận.

 

Bên cạnh đó, hằng năm, ngân sách tỉnh đều dành hàng chục tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực như: mở các lớp tập huấn đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề; xây dựng các đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ làng nghề xây dựng trang Webside riêng, thiết kế, in ấn quảng bá hình ảnh sản phẩm trên tờ rơi, pano; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, chứng nhận đăng ký quyền tác giả (logo) và hỗ trợ kinh phí để làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm… Riêng từ năm 2011 đến nay, Hiệp hội Làng nghề tỉnh đã triển khai hàng chục Đề án khuyến công liên quan đến phát triển làng nghề. Trong đó đáng chú ý là 3 đề án hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến và 3 đề án hỗ trợ xây dựng làng nghề điểm với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng cho một số làng nghề như: Làng nghề Chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); làng nghề Chè truyền thống xóm Hòa Khê, xã Văn Hán (Đồng Hỷ); làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương)… Thông qua những đề án này đã giúp các làng nghề có điều kiện đầu tư thêm thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, giúp làng nghề ngày càng phát triển bền vững.

 

Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nhưng khu vực kinh tế làng nghề của tỉnh tỉnh hiện nay đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đời sống, thu nhập của đại bộ phận người dân làng nghề vẫn còn thấp trong khi một số làng nghề đứng trước nguy cơ mai một do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Theo ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh: Thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các làng nghề thì các cấp, các ngành của tỉnh cần tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển, góp phần phát triển thương hiệu hàng hóa địa phương, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.