Vài năm trở lại đây, do tích cực chuyển đổi cơ cấu giống chè, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nên năng suất, chất lượng sản phẩm chè của bà con xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đã được nâng lên đáng kể, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến Phúc Trìu, đi trên con đường bê tông uốn lượn dẫn vào các xóm, chúng tôi được thỏa mắt ngắm những nương chè xanh mướt mát. Ông Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: Cây chè đã có mặt ở đây khoảng 50 năm về trước. Vì thế, nhiều diện tích chè trung du đã bị thoái hóa, tỷ lệ ra búp kém, năng suất thấp. Từ năm 2008 trở lại đây, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích chè giống cũ, già cỗi, cho tỷ lệ búp thấp sang trồng giống chè giâm cành năng suất cao như: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên...
Theo đa số các hộ dân trồng các giống chè giâm cành thay thế diện tích chè già cỗi thì những giống chè giâm cành thích nghi với khí hậu cũng như thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian cho thu hái nhanh, mật độ ra búp cao hơn nhiều so với giống chè trung du. Gia đình anh Ngô Văn Cốp, ở xóm Khuôn 2 là một trong nhiều hộ ở Phúc Trìu có thu nhập trên 140 triệu đồng/năm từ cây chè. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Cốp cho biết: Nhà tôi hiện có hơn 5.000m2 chè, mỗi lứa cho thu hái hơn 100kg chè khô với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg, thu về 20 triệu đồng/lứa. Nhận thấy diện tích chè trung du đã bị thoái hóa cho năng suất thấp, từ năm 2008, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư giống chè mới LDP1, đến nay đa số diện tích của gia đình đều trồng các giống chè giâm cành.
Để diện tích chè giâm cành trồng thay thế được phát triển tốt, người dân Phúc Trìu đã linh hoạt hơn trong cải tạo diện tích đất trồng. Với những sườn đồi dốc thoai thoải, các hộ dân hạ thế đất sao cho bằng phẳng hơn để việc bón phân, làm cỏ và đắp rơm rạ, chất mùn vào gốc chè sẽ thuận lợi hơn, đồng thời tận dụng các diện tích đất bãi bằng để trồng chè. Cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi giống chè, xã Phúc Trìu quan tâm nạo vét, kiên cố hoá kênh mương, hồ đập, chủ động nước tưới cho các vùng chè. Đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, người dân đã biết áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh trên cây chè và trồng cây tạo bóng mát cho chè. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể xã hội của xã cũng tạo điều kiện tín chấp để người dân vay vốn từ các Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng diện tích trồng chè, đầu tư trang thiết bị như: máy sao chè, vò chè, tưới chè bằng van xoay, máy hút chân không, máy đóng gói, máy ủ hương... Qua đó, giảm chi phí về công lao động, đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Hiện, toàn xã Phúc Trìu có gần 355ha chè, diện tích chè kinh doanh là 350ha, năng suất đạt 160 tạ/ha, (tăng 80 tạ/ha so với năm 2005) sản lượng chè búp tươi đạt trên 5.500 tấn. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới, cải tạo được từ 10-30ha chè cành. Xã đã có 80% diện tích là chè giống mới. Không chỉ cho năng suất, sản lượng vượt trội mà chè giống mới cũng được thị trường ưa chuộng với giá thành cao hơn. Trước đây, bà con bán chè chỉ với giá trên dưới 100 nghìn đồng/kg thì nay đã nâng lên trung bình 200-300 nghìn đồng/kg. Nhờ đẩy mạnh sản xuất chè, đời sống người dân xã Phúc Trìu đã được cải thiện đáng kể. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,4% (trên tổng số 1.685 hộ dân của toàn xã), giảm 6% so với năm 2010.
Tuy nhiên, hiện nay, điều mà chính quyền và người dân trong xã vẫn còn trăn trở đó là sản phẩm chè của xã chưa có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định. Nói về định hướng phát triển cây chè trong những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng chè, xã tiếp tục khuyến khích các hộ dân thành lập và tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quan tâm đào tạo, thu hút lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao làm chủ công nghệ sản xuất, chế biến chè; tăng cường đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông và hệ thống điện đảm bảo phục vụ sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác quảng cáo, quảng bá tiếp thị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu; từ đó, từng bước tạo dựng thương hiệu chè Phúc Trìu, để đời sống người trồng chè ngày càng no ấm hơn.