Ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi: Vẫn còn lỗ hổng

15:18, 28/04/2016

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp - PTNT đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền các địa phương.

Xử lý vi phạm chưa triệt để

 

Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist với 3 chất tiêu biểu là Clenbuterol, Salbutamol và Ractoppamine (đây là các chất đứng đầu bảng trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi). Theo các nhà khoa học, nhóm chất cấm này sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi bị sử dụng nhiều chất cấm. Để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp - PTNT đã triển khai thực hiện quyết liệt chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra và giao nhiệm vụ cho những đơn vị trực thuộc liên tục tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng chất cấm tại các trang trại chăn nuôi, kiểm tra các lò giết mổ gia súc và kiểm tra điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi đang lưu hành trên thị trường tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra tại hơn 120 trang trại, hộ chăn nuôi, lấy 105 mẫu nước tiểu lợn để kiểm nghiệm và phát hiện 12 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol.

 

Tuy nhiên hiện nay, việc lưu trữ gia súc sau khi có kết quả xét nghiệm định tính để chờ kết quả phân tích định lượng còn nhiều bất cập và chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Chẳng hạn như vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phát hiện trường hợp hộ ông Trần Văn Hai, ở xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngày 22-4, ngay sau khi nhận được kết quả của Trung tâm Kiểm nghiệm nông, lâm sản vùng I Hải Phòng gửi về cho thấy, mẫu nước tiểu của đàn lợn gia đình ông Hai đang nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đến lập biên bản xử phạt hành chính thì gia đình ông Hai đã bán toàn bộ số lợn trên ra thị trường, lượng cám cũng đã bị tiêu thụ hết. Theo điểm b, khoản 3, Điều 7, Thông tư 57 ngày 7-11-2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi nêu rõ, đối với cơ sở giết mổ khi phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm thì áp dụng với hình thức “buộc tiêu hủy toàn bộ gia súc, gia cầm hoặc buộc cơ sở giết mổ tiếp tục nuôi nhốt các loại vật nuôi vi phạm với điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y đến khi có kết quả kiểm tra âm tính với các chất cấm mới được giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ, với thời gian nuôi nhốt có thể kéo dài từ 3 đến 15 ngày”. Như vậy, mặc dù Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu chủ hộ chăn nuôi phải cách ly đúng thời gian cho phép nhưng chủ hộ đã không nghiêm túc thực hiện. Sau đó, gia đình ông Trần Văn Hai đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng, tuy nhiên việc quan trọng nhất là ngăn chặn gia súc có chứa chất cấm bị bán ra thị trường thi đã không thực hiện được.

 

Theo ông Nguyễn Khắc Tuân, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tỉnh, việc xác định chất cấm phải thực hiện qua nhiều khâu phức tạp, đơn cử, việc lấy nước tiểu trực tiếp từ bàng quang của lợn để test nhanh mới chỉ là kết quả ban đầu. Kết quả chính xác cuối cùng, vẫn phải lấy mẫu gửi tới Trung tâm Kiểm nghiệm nông, lâm sản vùng I Hải Phòng kiểm tra, phân tích định lượng tồn dư. Đây là một quy trình bắt buộc, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, để giám sát chủ hộ đàn vật nuôi trong thời gian chờ kết quả cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. 

 

Hướng đến các giải pháp bền vững

 

Bày tỏ ý kiến về việc một số hộ dân vì hám lợi đã sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Thái, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn cho biết: Tôi mong muốn các cơ quan chức năng siết chặt quản lý việc sử dụng chất cấm, hoóc môn tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi để những chủ hộ, trang trại chăn nuôi thực hiện đúng quy định như chúng tôi không bị thiệt hại bởi những thông tin nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang với người tiêu dùng. Đồng thời, tạo môi trường chăn nuôi lành mạnh và sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Còn chị Ngô Thị Hoa, Thanh tra viên Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra rất tinh vi, không dễ dàng để phát hiện, xử lý. Vì vậy, đoàn thanh tra liên ngành phải thành lập nhiều phương án kiểm tra đột xuất tại các trang trại và cơ sở chăn nuôi, bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cùng với công tác thanh, kiểm tra, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền để các hộ chăn nuôi nắm rõ được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

 

Nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu dưới hình thức đột xuất, phát hiện và chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP... Từ đó làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền và phối hợp với ngành Nông nghiệp để siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng hộ chăn nuôi cố tình bán vật nuôi khi chưa được phép của cơ quan chức năng.