Về xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), khi chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà ông Phạm Đắc Suất, ở xóm Gò Chè, người dân nơi đây ai cũng biết. Bởi ông là một thương binh “Tàn nhưng không phế”, luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Gặp ông Suất lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy ấn tượng ngay với người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, nước da hơi ngăm đen nhưng rất nhanh nhẹn này. Khi đó, ông đang vác cuốc đi lại từ phía sau vườn, ống quần sắn bên thấp bên cao, thấy chúng tôi, ông vội mời vào nhà uống nước. Khi nghe chúng tôi thắc mắc, một người cựu chiến binh bị mất tới 57% sức khỏe và là nạn nhân chất độc da cam mà vẫn có thể đảm đương một vườn Thanh long rộng đến vậy, ông Suất cười hiền hậu, nói vui: “Ngày trước tham gia chiến trường Tây Nguyên (1966) rồi đến đánh trận Mậu Thân (1968) vất vả, ác liệt là thế mà còn hăng say. Bây giờ về quê nhà, trồng vài trăm gốc Thanh long có hề gì. Tôi coi đây như niềm vui trong cuộc sống”. Câu nói của ông Suất khiến chúng tôi hiểu rằng, ông lúc nào cũng mang bản lĩnh vững vàng, không ngại khó của người chiến sĩ năm xưa.
Chia sẻ về cơ duyên đến với cây thanh long, ông Suất cho biết: Những năm trước, toàn bộ diện tích 5.600m2 vườn đồi của gia đình đều được sử dụng để trồng các loại cây như mơ, vải, nhãn... nhưng năng suất thấp không ổn định. Trong một lần vào miền Nam chơi (khoảng năm 1992), thấy vùng đất này trồng nhiều thanh long trắng mà giá bán cũng khá cao, tôi quyết định đưa giống cây trên về trồng tại vườn nhà. Năm đầu tiên bói quả, tôi đã cho nhiều người ăn thử và sau bán được giá từ 10-12.000 đồng/kg.
Ba năm trở lại đây, được sự giới thiệu của cán bộ xã, ông Suất đã tìm hiểu và mua thêm giống thanh long ruột đỏ từ Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên. Hiện tại, vườn thanh long của ông Suất có trên 600 gốc (trong đó có 300 gốc thanh long ruột trắng và trên 300 gốc thanh long ruột đỏ). Ông bảo, cây thanh long rất dễ chăm sóc, chỉ cần tưới đủ nước, bón đủ phân là cây cho quả liên tục từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch). Trung bình, một kg thanh long ruột trắng có giá bán từ 25-30.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ là 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Suất có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Không chỉ phát triển diện tích thanh long của gia đình, ông Suất còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong xóm có nhu cầu trồng thanh long. Ông Đỗ Văn Tĩnh, người cùng xóm cho biết: “Thấy ông Suất trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, tôi sang và được ông chỉ bảo tỉ mỉ cách trồng và chăm sóc cây. Đến nay, trong vườn nhà tôi cũng có trên 500 gốc. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi cũng có thêm khoảng 80 triệu đồng từ trồng thanh long”. Được biết, từ vườn thanh long của ông Suất, hiện nay xóm Gò Chè đã có đến 8 hộ dân trồng thanh long, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều có đến vài trăm gốc, từng bước đưa kinh tế địa phương phát triển.
Nhận xét về tấm gương cựu chiến binh Phạm Đắc Suất, ông Nguyễn Tiến Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cao Ngạn cho biết: Ông Suất không những làm kinh tế giỏi mà còn là người gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào vận động nhân dân đóng góp tiền của, sức lao động để xây dựng nhà văn hóa xóm, làm đường bê tông trên địa bàn xã, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.