Phòng, trừ bệnh khô vằn hại lúa

17:19, 28/04/2016

Hiện nay, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng, chuẩn bị trỗ bông. Tuy nhiên, do thời tiết nóng, ẩm nên trên các trà lúa đã xuất hiện rầy các loại với mật độ trung bình 40-150 con/m2, nơi cao 250-600 con/m2; sâu đục thân cú mèo với mật độ trung bình 0,5-1 con/m2; bệnh khô vằn gây hại tỷ lệ trung bình 2-10%, nơi cao 20-40%, cục bộ 60% rảnh bị hại với tổng diện tích bị nhiễm toàn tỉnh trên 2 nghìn ha.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh như rầy nâu, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên các giống nhiễm.


Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị chủ động theo dõi diễn biến các đối tượng gây hại để đôn đốc các biện pháp phòng trừ hiệu quả, nếu không, nấm khô vằn sẽ tấn công lên ngọn lúa, làm giảm năng suất. Đối với bà con nông dân cần tích cực theo dõi đồng ruộng, làm sạch cỏ, bón phân đầy đủ, bón theo nhu cầu của cây và bón cân đối giữa các loại phân để tăng khả năng chống chịu của cây; đồng thời, sử dụng một trong các loại thuốc như: Validacin 3SL, Vida 3SC, Daconil 75WP… để phun phòng, trừ. Bà con cũng cần lưu ý, sử dụng thuốc hoá học phòng, trừ bệnh chỉ đem lại hiệu quả khi bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá già và thuốc hoá học phải được phun tiếp xúc với tầng lá dưới của cây.