Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 48,2km đê, trong đó có hơn 34km đê cấp III, gồm các tuyến đê Chã, sông Công, Hà Châu (thuộc huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên); hơn 13,7km đê cấp IV, gồm các tuyến: Đê kè Đô Tân Vạn Phái (T.X Phổ Yên), đê Hữu Cầu và đê Gang Thép (thuộc T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình). Hệ thống đê điều phòng chống lũ có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho hơn 27 vạn người dân tại 42 phường, xã cùng hàng nghìn héc-ta đất canh tác ở T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay, trên các tuyến đê ở tỉnh ta có 11 vị trí trọng điểm xung yếu, cụ thể: đoạn từ Km6+400 đến Km6+800 trên tuyến đê sông Công đang thi công kè bờ sông; xử lý tổ mối đoạn đê từ Km5+500 đến Km6 và Km9+250 đến Km+350 trên tuyến đê Chã; kè Xuân Vinh trên đê sông Công đang thi công dở dang; đoạn bờ sông bị sạt lở nhiều cách chân đê Hà Châu từ 15-30m tại vị trí Km3+600 đến Km3+700; xử lý tổ mối trên đê Chã từ Km5+500 đến Km6; trên tuyến đê Hữu Cầu, T.P Thái Nguyên sau Km2+150 có đoạn kè đê chưa được xây dựng, khi có lũ trên báo động II nước sẽ tràn vào gây ngập lụt phường Túc Duyên và một số phường lân cận thuộc thành phố...
Trước diễn biến bất thường của thời tiết năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành liên quan cùng các địa phương có đê xác định trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án bảo vệ công trình trọng điểm trong mùa mưa lũ. Theo đó, chủ động các phương án, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê ngay khi có sự cố xảy ra. Đồng chí Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão tỉnh cho biết: Trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, chúng tôi đã tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để có phương án hộ đê cho từng tuyến, từng đoạn đê cụ thể. Sau khi rà soát, kiểm tra, chúng tôi đã xác định các điểm xung yếu và vùng trọng điểm để có phương án bảo vệ an toàn các tuyến đê. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều trên các tuyến đê, xử lý mọi hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ; tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, hồ đập cho lực lượng thủ kè, thủ cống, cán bộ tham gia công tác phòng chống lụt bão.
Để chủ động đối phó với bão lũ, tại các công trình đê, kè trọng điểm của tỉnh cũng đã được trang bị đầy đủ về nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Anh Nguyễn Văn Quảng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Trong công tác phòng chống lụt bão, nếu các trọng điểm xung yếu không xây dựng được phương án xử lý thì khi có sự cố xảy ra sẽ rất bị động. Vì vậy, để bảo đảm an toàn tuyến đê trước mùa mưa bão, hằng năm chúng tôi đều tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau lũ, từ đó đề xuất sửa chữa các vị trí xung yếu. Cùng với đó là chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ và dự phòng kinh phí, sẵn sàng hộ đê khi có sự cố xảy ra. Hiện nay, Hạt đã dự trữ được 50 chiếc xe rùa, 250 chiếc áo phao, trên 700 khối đá hộc và nhiều loại vật tư thiết yếu khác như cuốc, xẻng, rọ thép, bao tải...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Để bảo vệ an toàn hành lang đê điều, ngoài việc phối hợp với Hạt Quản lý đê Hà Châu vận động người dân tự tháo dỡ lều quán, mái vẩy trên đê, chính quyền địa phương còn phối hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Đê điều và công tác phòng chống lụt bão nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật đê điều cũng như phối hợp với cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng chống lụt bão, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện nay, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế. Mặt khác, việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình đê điều cũng đang được các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng cho nhân dân trong mùa mưa lũ năm nay.