Tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu

13:43, 25/04/2016

 Tính đến cuối tháng 3-2016, nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh là 1.871 triệu đồng, chiếm 0,076% tổng dư nợ, tăng 287 triệu đồng so với cuối năm 2015. Tuy chưa nằm trong mức báo động nhưng điều đáng nói là số nợ này đang có chiều hướng tăng và nếu không có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp thì vấn đề sẽ trở nên khó kiểm soát hơn.

Trong cuộc giao ban quý I mới đây giữa NHCSXH tỉnh với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Tỉnh đoàn, vấn đề làm sao để không phát sinh thêm nợ xấu, cố gắng giữ ổn định tỷ lệ nợ quá hạn như tại thời điểm cuối năm 2015 được đại diện các đơn vị tham gia thảo luận sôi nổi. Được biết, hiện có 79 hộ đang vay vốn tại NHCSXH nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, với số tiền 1.300 triệu đồng, trong số này chỉ có 12 hộ có thông tin cụ thể, số còn lại không có thông tin hoặc thông tin không rõ ràng. Trong tổng số nợ quá hạn, số tiền do Hội Nông dân quản lý chiếm cao nhất, với 572 triệu đồng; Hội Cựu Chiến binh 369 triệu đồng; Đoàn Thanh niên 326 triệu đồng và Hội Liên hiệp Phụ nữ 236 triệu đồng.

 

Qua phân tích, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh và các hội, đoàn thể nhận ủy thác đều cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu có xu hướng tăng là do công tác kiểm tra, giám sát của một số tổ chức hội, đoàn thể, nhất là ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; còn thiếu chủ động và tích cực trong kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay của tổ viên, chủ yếu vẫn phó thác cho ban quản lý tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV). Một số nơi, ban quản lý tổ TK-VV hoạt động chưa đạt yêu cầu, mọi hoạt động hầu hết đều do tổ trưởng đảm đương, mà chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của tổ phó, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Còn về phía hộ vay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không trả nợ đúng hạn. Ngoài một số ít do khách quan mang lại như bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hoặc đau ốm, bệnh tật, qua đời (những trường hợp cơ bản đều được khoanh nợ) thì phần lớn là do ý thức chưa cao, cố tình chây ỳ, dây dưa, hoặc lợi dụng việc chuyển đi nơi khác sinh sống để trốn tránh việc trả nợ.

 

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm gia tăng nợ xấu, theo ông Nguyễn Hải Khê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của các hội, đoàn thể nhận ủy thác; đẩy mạnh sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể và công an xã trong việc nắm bắt thông tin có liên quan đến hộ vay, kịp thời có biện pháp can thiệp đối với những hộ có ý định chuyển đi khỏi địa phương mà vẫn còn dư nợ tại NHCSXH. Việc thực hiện đôn đốc nợ quá hạn cũng cần được quan tâm, thông báo sớm hơn về ngày đến hạn trả nợ. Còn theo đại diện Tỉnh đoàn, công tác kiểm tra tại tổ TK-VV cũng như các hộ vay cần được thực hiện khoa học và đi vào thực chất hơn. Thay vì kiểm tra theo danh sách mà hội, đoàn thể cơ sở chuẩn bị trước thì cần tiến hành kiểm tra theo xác suất và không thông báo trước. Cùng với đó cần chú ý hơn đến khâu bình xét cho vay, nhằm tránh hiện tượng vay chung, vay ké.

 

Hiện, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh đang quản lý là 2.285 tỷ đồng, với trên 90 nghìn khách hàng còn dư nợ, thực hiện cho vay ở 12 chương trình. Đây là những con số không hề nhỏ, trong khi đối tượng vay đại đa số đều thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, không phải thế chấp tài sản… Bởi thế, nếu công tác kiểm tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và đúng quy định sẽ rất dễ dẫn đến nợ xấu. Ý thức rõ về điều này nên trong những năm qua, vấn đề kiểm tra, giám sát luôn được NHCSXH tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của Chi nhánh Thái Nguyên luôn được NHCSXH Việt Nam đánh giá cao. Năm 2015, đơn vị được xếp thứ ba trong 63 tỉnh, thành về chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, chỉ trong quý I là thời điểm trùng với dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, một số ban quản lý tổ TK-VV có sự chệch choạc trong hoạt động cùng với đó là một số cấp ủy, chính quyền sao nhãng trong việc chỉ đạo, điều hành đã khiến nợ xấu của Chi nhánh có chiều hướng tăng và đã đưa Chi nhánh Thái Nguyên xuống vị trí thứ 9. Chính điều này cũng đã khiến 21 tổ bị xếp loại trung bình và yếu trong tháng 3-2016, trong khi năm 2015 chỉ có 8 tổ bị xếp loại trung bình, còn lại 3.128 tổ xếp loại khá, tốt. Thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả.

 

Được biết, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, một trong những yêu cầu được đưa ra là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phải nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, trong hoạt động thường xuyên; coi tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương….