Tạo động lực cho nông dân phát triển kinh tế

09:22, 15/04/2016

“Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” gọi tắt là “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” là 1 trong 3 phong trào trọng tâm mà Hội Nông dân huyện Phú Lương luôn quan tâm đẩy mạnh. Đây được xem như động lực giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân.

Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xóm Tân Thái, xã Tức Tranh là một trong 5 mô hình kinh tế tập thể được Chi hội Nông dân của xóm đăng ký thực hiện theo phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Tham gia sản xuất chè an toàn, giá trị sản phẩm chè của người dân đã được nâng lên, từ đó góp phần cải thiện đời sống cho các hội viên. Ông Đỗ Văn Trấn, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Tân Thái cho biết. Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, cuối năm 2014, Chi hội Nông dân xóm đã đăng ký thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình này có sự tham gia của 30 gia đình hội viên, thực hiện trên diện tích 15,6ha. Sau 6 tháng triển khai, toàn bộ diện tích trên đã được công nhận sản xuất thành công theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè cho các hội viên. Nhiều gia đình hội viên nông dân cũng đã có thu nhập đáng kể từ mô hình như gia đình ông Nguyễn Văn Dậu (thu nhập trên dưới 400 triệu đồng/năm); Phan Văn Khoát (thu nhập 350 triệu đồng/năm)…

 

Ông Lê Văn Khánh, hội viên nông dân xóm Tân Thái cho biết: Gia đình tôi có 4.000m2 chè đã được công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Trước đây, trên diện tích này, gia đình thu được khoảng 1,6 tạ chè búp khô/lứa, giá bán bình quân 160 nghìn đồng/kg, thu khoảng 250 triệu đồng/năm. Sau khi Chi hội Nông dân xóm phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, gia đình tôi đã đăng ký tham gia thực hiện theo mô hình này. Từ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm chè đều tăng lên. Với diện tích 4.000m2, nay gia đình đã thu được khoảng 1,8 tạ chè búp khô mỗi lứa, bán với giá bình quân 250 nghìn đồng/kg, thu khoảng 450 triệu đồng/năm.

 

Ngoài mô hình sản xuất chè an toàn ở xóm Tân Thái, các cấp hội nông dân  huyện Phú Lương đã xây dựng mới nhiều mô hình phát triển kinh tế, đem lại thu nhập khá cho các hội viên như: Mô hình chế biến gỗ và làm mộc ở xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch đang tạo công ăn việc làm cho 7 hội viên nông dân với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng (tổng thu nhập từ mô hình trên dưới 400 triệu đồng/năm); Tổ sản xuất chè an toàn ở xóm Trung Thành, xã Vô Tranh (thu nhập 3,6 tỷ đồng/năm)… Từ phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, trên địa bàn huyện Phú Lương đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm và được Thủ tướng Chính phủ, tỉnh, huyện khen tặng, như: Mô hình trồng nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Nga, xóm Cây Châm, xã Động Đạt; dịch vụ tư vấn, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức hộ gia đình của bà Ma Thị Dinh, xóm Quyết Tiến, xã Hợp Thành, ông Bùi Văn Dương, xóm Khe Nác, xã Động Đạt... Trong đó, chị Nguyễn Thị Nga là hội viên nông dân được nhận Bằng khen sản xuất kinh doanh giỏi của Thủ tướng Chính phủ năm 2015. Chị Nga cho biết: Là hội viên nông dân, tôi đã được các cấp hội tạo điều kiện để phát triển kinh tế từ việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật hay tín chấp vay vốn ngân hàng. Hiện nay, gia đình tôi đang sản xuất nấm sò, linh chi, mộc nhĩ, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường trên dưới 70 tấn các loại, thu nhập trên 1 tỷ đồng. Tại cơ sở sản xuất của gia đình tôi đang có 15 công nhân lao động, họ đều là hội viên nông dân với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Lê Văn Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Hội Nông dân huyện hiện có trên 17.000 hội viên. “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” là một trong 3 phong trào lớn của Hội, 2 phong trào còn lại là: Nông dân xây dựng Nông thôn mới; Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Những năm qua, Hội Nông dân huyện đã triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, sâu rộng đến các cơ sở hội. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển, có sức lan tỏa, lôi cuốn, đã khích lệ, tạo được động lực cho hội viên nông dân phát triển kinh tế. Năm 2015, đã có gần 10.000 gia đình hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi (đạt 101,5% kế hoạch) và có gần 6.400 hộ hội viên nông dân đã đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Năm qua, các cơ sở hội cũng đã xây dựng mới được 9 mô hình sản xuất thực phẩm an toàn tại 8 xã, thị trấn; xây dựng thành công 5 mô hình kinh tế tập thể đem lại thu nhập cao. Từ đó đã có nhiều cá nhân, tập thể được khen thưởng tập thể, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong năm 2015, toàn huyện đã có 2 hộ gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 9 hộ gia đình được nhận Bằng khen của UBND tỉnh; nhiều cá nhân, tập thể được huyện khen thưởng.

 

Cùng với thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp hội nông dân huyện còn đẩy mạnh việc giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững. Tính riêng trong năm 2015, các cấp hội nông dân huyện Phú Lương đã hỗ trợ, giúp đỡ được 11 hộ gia đình hội viên thoát nghèo với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng thông qua các hình thức như: Cho vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn quỹ của hội, chi hội; tín chấp cho hội viên vay vốn ngân hàng… Đến nay, dự nợ cho vay của Hội Nông dân huyện đã đạt trên 109 tỷ đồng với hơn 4.300 hộ hội viên vay vốn.