Tháo gỡ khó khăn cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên

18:15, 13/04/2016

Gần đây, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bộ Công Thương đều đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II (viết tắt là Dự án giai đoạn II) của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trong đó khẳng định, đã chuẩn bị đủ điều kiện để có thể tái khởi động Dự án.

Từ khối tài sản khổng lồ… nằm phơi sương

 

Chúng tôi đến đại công trường đầu tư Dự án giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vào dịp đầu tháng 4 này, đúng mấy hôm trời mưa phùn liên tục. Những khối bê tông hình trụ dựng lên giữa chừng của Nhà máy thiêu kết quặng sắt (một hạng mục nằm trong Dự án) đã bắt đầu xuất hiện rêu bám. Dưới làn mưa lất phất, hàng nghìn tấn thép kết cấu đang lắp ghép dang dở của các hạng mục nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép, trạm ô xi... bắt đầu có hiện tượng bong tróc sơn. Trên đại công trường vắng vẻ này, không khó để có thể bắt gặp những đống thép chưa kịp lắp đặt nằm ngổn ngang, có chỗ bị che khuất bởi dây leo, cỏ mọc. Mấy gian nhà ở tạm của công nhân nhà thầu được tận dụng từ các thùng hàng công-ten-nơ bị gỉ sét, hoen ố. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đồng Quang Dương, Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: Hơn 30 nghìn tấn thiết bị đã được mang về và lắp đặt tại đây, giờ vẫn nằm phơi mưa nắng. Nhìn khối tài sản này lại thấy xót xa.

 

Dự án giai đoạn II của TISCO là Dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9-2007. Dự án gồm 2 gói thầu chính: Gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ và gói thầu thi công dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá. Nhà thầu chính được lựa chọn là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC). Dự kiến khi đi vào sản xuất, mỗi năm Dự án này sẽ cung cấp khoảng 1 triệu tấn phôi thép ra thị trường. Thời gian qua, do có nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) nên Dự án bị chậm tiến độ, khiến tổng mức đầu tư được đề nghị tăng lên gấp đôi, tức là trên 8.100 tỷ đồng. Do thiếu vốn trầm trọng nên các nhà thầu thi công đã rút hết công nhân và máy móc ra khỏi công trường, Dự án chính thức dừng thi công từ quý IV năm 2012 đến nay.

 

Đến nỗ lực chuẩn bị điều kiện tái khởi động Dự án

 

Trước những khó khăn của TISCO cộng với nhiều ý kiến cho rằng có nên tái khởi động Dự án giai đoạn II, tháng 10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp bàn riêng về Dự án này. Tại đây, Thủ tướng kết luận: Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, làm cơ sở cho Dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam xem xét, có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian Dự án dừng triển khai; đồng thời nghiên cứu cơ cấu lại thời gian cho vay, thời gian trả nợ, lãi suất vay của TISCO để Dự án tiếp tục được triển khai.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan ngay lập tức thực hiện các biện pháp hỗ trợ tối đa để TISCO có thể tháo gỡ khó khăn về vốn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng cho TISCO vay bổ sung 1.359 tỷ đồng, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng đồng ý góp vốn 1.000 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam cũng ký hợp đồng cho TISCO vay bổ sung 1.100 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tích cực và khả thi đó, cộng với các khoản vốn tự huy động, hiện tại, TISCO đã hoàn tất việc thu xếp vốn cho Dự án. Sau khi bảo đảm nguồn vốn, TISCO tiến hành đàm phán với các nhà thầu, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để ký kết phụ lục hợp đồng, tái khởi động Dự án.

 

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên và của Bộ Công Thương thì từ năm 2012 đến hết tháng 1-2016, TISCO đã tiến hành 10 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc MCC. Đến nay, các nội dung chính của Hợp đồng thi công lắp đặt thiết bị của Dự án đã được các bên thống nhất. Chủ đầu tư đã chuyển tài liệu này cho một hãng luật uy tín để xem xét, đánh giá tính pháp lý theo quy định.

 

Bên cạnh đó, thời gian gần đây TISCO đã chủ động kiện toàn lại bộ máy Ban Quản lý Dự án; phối hợp với cơ quan kiểm toán rà soát các nhà thầu thi công để chốt hồ sơ khối lượng, chất lượng các hạng mục đang thi công dở dang; làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để kiểm định nghiệm thu các phương tiện vận chuyển nhập khẩu của Dự án; phối hợp với chuyên gia tư vấn thiết kế luyện kim khảo sát, đánh giá, lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vật tư thiết bị đã hư hỏng do lưu kho bãi lâu ngày; vệ sinh thu dọn hiện trường, chuẩn bị mặt bằng, san gạt đường đi tạm để sẵn sàng phục vụ thi công Dự án.

 

Không thể để Dự án "đắp chiếu" mãi

 

Một thực tế không thể phủ nhận là từ khi triển khai Dự án, do phải vay vốn ngân hàng nên hàng tháng TISCO đều đặn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tín dụng. Việc sản xuất, kinh doanh của TISCO thời gian qua ngoài bảo đảm việc làm, thu nhập cho gần 6.000 lao động còn phải gồng mình lo trả lãi Dự án giai đoạn II mỗi tháng 30 tỷ đồng. Do đó, việc sớm đầu tư hoàn thành Dự án để giải quyết những khó khăn, tồn tại của TISCO hiện nay là rất cần thiết.

 

Ngày 8-3-2016, Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục xem xét tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Trong đó khẳng định: Để bảo đảm Dự án có hiệu quả kinh tế, chủ đầu tư đã phối hợp cùng tư vấn tính toán lại tổng mức đầu tư trên cơ sở vận dụng các cơ chế đã được Chính phủ cho phép. Sau khi rà soát, tính toán, đã xác định tại thời điểm hiện nay Dự án vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế.

 

Tiếp đó, ngày 14-3-2016, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Chính phủ chấp thuận cho TISCO được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.104 tỷ đồng xuống còn 7.871 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh, chủ đầu tư đã thống nhất không xây dựng hạng mục Nhà máy Cốc hóa (nằm trong Dự án đã phê duyệt) để dành vốn đầu tư thực hiện các hạng mục khác.

 

Để thực hiện hiệu quả Dự án, cả Bộ Công Thương và tỉnh Thái Nguyên đều kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện theo cơ chế: Khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian Dự án dừng thi công đến nay; áp mức lãi suất thấp đối với các khoản vay; cho phép điều chỉnh thời gian vay, thời gian trả nợ với các hợp đồng tín dụng đã ký... Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với các vật tư, thiết bị của Dự án tiếp tục phải nhập khẩu; miễn thuế nhà thầu... Đối với vấn đề bồi thường nhà thầu MCC, đề nghị cho phép TISCO chi trả theo quy định tại hợp đồng đã ký và trả phí dịch vụ sau bán hàng cho các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài theo thực tế phát sinh.

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Dự án giai đoạn II Gang thép có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại của TISCO và sự phát triển chung của kinh tế Thái Nguyên. Dự án được tái khởi động và hoàn thành càng sớm sẽ không chỉ giúp tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thêm 1.900 tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo thêm việc làm mới cho hơn 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, còn là cứu cánh cho cả hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh của TISCO cũng như thị trường thép trên địa bàn. Ngoài ra còn góp phần giải quyết nguồn nguyên liệu sản xuất thép đáng kể trong nước, tránh lệ thuộc nhập khẩu nước ngoài.