Về Văn Hán hôm nay

16:16, 05/04/2016

Trước kia, Văn Hán là một xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đường nhựa, đường bê tông chưa có, chợ tạm lụp xụp, sản xuất tự phát và manh mún… Vậy mà nay, vùng đất này đã có nhiều thay đổi, mang một diện mạo mới.  

Còn nhớ trước đây, đi từ trung tâm huyện đến xã Văn Hán, chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ bởi đường sá gồ ghề, nhỏ hẹp. Nhưng nay, thời gian đi trên quãng đường dài 20km ấy chỉ mất chừng nửa tiếng. Cho xe chạy bon bon trên tuyến đường bê tông liên xóm Làng Hỏa - Hòa Khê 1 dài 4,6km, chúng tôi thấy hai bên đường không còn mảnh đất nào bị người dân bỏ phí. Tùy theo địa hình, điều kiện thổ nhưỡng mà bà con đầu tư cải tạo để trồng các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế. Những nương chè, đồi keo xanh mướt nối tiếp nhau. Được biết, sản xuất chè và trồng rừng là thế mạnh của xã, giúp người dân nơi đây thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu những năm gần đây.

 

Chợ Phả Lý với những dãy lều lụp xụp, chật chội ngày nào nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, tấp nập người bán - mua. Mặt bằng chợ mở rộng từ 2.700m2 lên 5.900m2, cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện đạt chuẩn nông thôn mới. Và có lẽ, chợ Phả Lý là một trong những chợ quê họp “dày” nhất ở miền ngược (mỗi tháng họp 9 phiên mà phiên nào cũng đông). Là xóm trung tâm của xã, ở Phả Lý có chợ, trường học, giao thông thuận tiện, dịch vụ phát triển nhưng tình hình an ninh trật tự vẫn luôn được bảo đảm. Hàng năm, số hộ trong xóm đạt danh hiệu gia đình văn hóa đều chiếm trên 97%; liên tục 3 năm qua, xóm giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; Chi bộ luôn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu…

 

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Bí thư Chi bộ xóm Phả Lý cho biết: Kinh nghiệm của chúng tôi là cấp ủy, Chi bộ luôn chú trọng nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề ra nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các khu dân cư, tổ chức hội, đoàn thể; hằng tháng, tổ chức sinh hoạt Chi bộ nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế để có giải pháp khắc phục, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

Rời Phả Lý đến xóm Hòa Khê 1, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân nơi đây. Vui vì đầu năm 2016 này, xóm được công nhận là Làng nghề chè truyền thống và có đường nhựa, đường bê tông rộng thênh thang chạy ngang, dọc qua xóm. Đồng chí Triệu Minh Tương, Bí thư Chi bộ Hòa Khê 1 chia sẻ: Từ khi được công nhận làng nghề (với 53 hộ tham gia), bà con càng tích cực đầu tư thiết bị và làm ăn bài bản, khoa học hơn. Còn chuyện làm đường thì đã được chúng tôi chuẩn bị giải phóng mặt bằng trước từ lâu. Ví dụ đường Hòa Khê 1 - Làng Hỏa, tuy mới đưa vào sử dụng nhưng chúng tôi đã vận động người dân ký cam kết hiến đất giải phóng mặt bằng từ năm 2013. Năm 2016 này, mục tiêu của xóm là bê tông tuyến đường từ cổng làng nghề đến nhà văn hóa, nay mặt bằng đã sẵn sàng bởi người dân đã đồng thuận hiến đất từ lâu. Theo đúng phương châm của Đảng ủy xã: Chỉ có mặt bằng sạch chờ dự án chứ không để dự án chờ mặt bằng.

 

Hòa Khê 1 là xóm có địa bàn rộng với 251 hộ dân, chi bộ chỉ có 11 đảng viên (3 đảng viên miễn sinh hoạt) công tác lãnh đạo, chỉ đạo gặp không ít khó khăn. Vậy nhưng, với quan điểm, việc lớn, nhỏ Chi bộ đều “bám” vào các đảng viên, thống nhất với trưởng xóm và lấy các chi hội, đoàn thể làm nòng cốt, đồng thời luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của bà con nên hoạt động của Chi bộ diễn ra rất thuận lợi.

 

Có thể nhận thấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã, sự vào cuộc của các chi bộ và từng đảng viên nên các xóm ở Văn Hán đều hoàn thành tốt những chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, để triển khai làm đường bê tông nông thôn, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về việc hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho cả giai đoạn, chỉ rõ mục tiêu từng năm. Theo đó, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã xây dựng, ban hành các kế hoạch về vận động nhân dân ký cam kết sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất; thu hoạch cây cối, hoa màu, bàn giao đất… để giải phóng mặt bằng. Nhờ đó mà 5 năm qua, nhân dân đã hiến trên 164 nghìn m2 đất. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã được đầu tư xây dựng 28km đường nhựa, hơn 10km đường bê tông, 8km đường cấp phối.

 

Xác định cây chè là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo các chi bộ, tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi giống chè mới cho năng suất cao, đồng thời áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả, toàn xã đã trồng mới 272/35ha chè (đạt 777% chỉ tiêu đầu nhiệm kỳ). Đặc biệt, bằng quyết tâm của Đảng ủy, chi bộ và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, đến nay, xã đã có 6 xóm được công nhận là làng nghề chè truyền thống. Trong nhiệm kỳ qua, xã Văn Hán còn đạt và vượt cao các chỉ tiêu mà nghị quyết đã đề ra đầu nhiệm kỳ. Ví dụ, diện tích trồng rừng mới đạt 1.522ha (đạt 304% kế hoạch); xây dựng 3 trường đạt chuẩn Quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17 triệu đồng/người/năm (gấp 2 lần so với năm 2010)…

 

Đồng chí Lường Văn Hoan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ đã thẳng thắn đánh giá đúng thực trạng của xã về mọi mặt, phân tích rõ những hạn chế, yếu kém cũng như thuận lợi, thế mạnh để phát huy. Căn cứ vào từng lĩnh vực cụ thể, Đảng ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, có kế hoạch và phân việc thực hiện từng giai đoạn. Hằng tháng, Ban Thường vụ, Ban chấp hành họp định kỳ để nghe báo cáo, đánh giá kết quả và bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Đảng bộ luôn duy trì tỷ lệ trên 73% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, không có chi bộ yếu kém. Trên 97% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đảng bộ 5 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra trong nhiệm kỳ này.