Xã Phú Đình (Định Hóa) đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn làm đại bản doanh đóng quân để chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1999, Phú đình đã được vinh danh Xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt được những kết quả khá vững chắc...
Vào một ngày cuối tháng 4 lịch sử, có dịp trở về Phú Đình, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là diện mạo nông thôn vùng chiến khu xưa đã và đang "thay da đổi thịt" từng ngày: Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đường liên thôn, liên xóm được mở rộng và đổ bê tông, nhiều ngôi nhà được xây mới, các hộ dân sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền... Tất cả những hình ảnh ấy đã minh chứng cho cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc của đồng bào nơi đây. Đồng chí Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Quản lý Chương trình xây dựng NTM của xã cho biết: Phú Đình là xã miền núi cách trung tâm huyện khoảng 20km. Khoảng 7-8 năm trở về trước, cuộc sống của người dân còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, xã mới đạt 4/19 tiêu chí, đó là: Điện, bưu điện, y tế và an ninh, trật tự xã hội. Sau 5 năm thực hiện, xã đã đạt được 11/19 tiêu chí (hoàn thành thêm 7 tiêu chí, đó là: Quy hoạch, thủy lợi, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa và hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh). Có được kết quả này là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân...
Xác định xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của xã đã tập trung mọi nguồn lực từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa... Trong 5 năm qua, xã đã đổ bê tông được 5 tuyến đường liên thôn, liên xóm, nội đồng với tổng chiều dài 4,8km (tổng trị giá 4,5 tỷ đồng), xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 3 công trình thủy lợi với tổng trị giá trên 2,3 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến trên 15,7 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình... Đơn cử như năm 2014 và năm 2015, 25 hộ dân xóm Nà Mùi đã tự nguyện hiến trên 2.000 nghìn m2 đất và cây cối, tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để đổ bê tông 2 tuyến đường liên xóm có tổng chiều dài 2,45km, có mặt đường rộng 3,5m. Ông Hoàng Văn Hà, Bí thư Chi bộ thôn Nà Mùi cho biết: Để làm hai tuyến đường này, ngoài việc tự nguyện hiến đất, bà con trong xóm còn đóng trên 600 triệu đồng tiền đối ứng. Hai tuyến đường đi qua xóm được hoàn thành đã giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi, đồng thời cũng làm cho diện mạo giao thông xóm làng được sạch đẹp hơn. Thời gian tới, nếu Nhà nước tiếp tục có chủ trương mở rộng và đổ bê tông ở xóm thì bà con vẫn sẵn sàng và tự nguyện góp ngày công, hiến đất và tài sản trên đất để có thêm những con đường sạch đẹp...
Từ việc nuôi ba ba, lợn, dê, mỗi năm, gia đình ông Ma Đình Được ở thôn Đồng Hoàng, xã Phú Đình (Định Hóa) đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được xã xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Xác định lúa nước và cây chè sẽ là hai cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, hằng năm, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tốt việc cung cấp giống chè cành năng suất và chất lượng cho các hộ trồng mới, trồng thay thế giống chè cũ năng suất thấp. Cùng với đó, xã còn vận động bà con mạnh dạn đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: Syn6, Viet lai 20, Bắc Thơm... ở vụ đông xuân; chỉ đạo trồng đại trà giống lúa Bao thai chất lượng cao ở vụ hè thu. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các đơn vị cung ứng giống cây trồng, phân bón tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, triển khai các mô hình khuyến nông đến với bà con... Thông qua Dự án hỗ trợ triển sản xuất (thuộc Chương trình 135), từ năm 2010 đến nay, xã đã thực hiện hỗ trợ 71 máy cày, 61 bộ tôn quay sao chè inox 61... Hiện nay, xã đã có 1 tổ hợp tác xã sản xuất chè VietGAP, 1 Làng nghề chè truyền thống và 21 gia trại chăn nuôi lợn thịt; bò, dê, cá có hiệu quả... Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt 9 triệu đồng thì đến năm 2015 con số đó đã tăng lên là 17,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã cũng giảm từ 38,2% năm 2011 xuống còn 18,66% (năm 2015).
Theo lộ trình, Phú Đình phấn đấu "cán đích" NTM vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chí còn lại như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, môi trường là những nhiệm vụ được coi là khá nặng nề bởi sẽ phải cần nguồn vốn lớn, trong khi đó điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn của xã Phú Đình trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí Ngô Quốc Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Định Hóa cho biết:
Do việc huy động nội lực còn nhiều khó khăn nên UBND huyện dự kiến sẽ xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội đối với Phú Đình nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, sớm đưa xã về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất, để tương xứng với vị trí đặc biệt của vùng trung tâm ATK Định Hóa.