Xung quanh việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng

17:48, 07/04/2016

Ngay sau Tết Nguyên đán (tức là từ giữa tháng 2) đến nay, thị trường tiền tệ đang chứng kiến việc tăng lãi suất huy động của khá nhiều ngân hàng, trong đó có cả các ngân hàng lớn, vốn được cho là khá “bảo thủ” trong vấn đề này. Trước thực tế đó, người có tiền đem gửi thì tỏ ra phấn khởi, còn người đi vay thì không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng.

Mức lãi suất huy động của các ngân hàng ngày 7-4:
Không kỳ hạn: Từ 0,3-1%/năm
Từ 1-3 tuần: Từ 0,5-1%/năm
1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,4-5,5%/năm
6 tháng đến dưới 9 tháng: 5,4-6%/năm
9 tháng đến dưới 12 tháng: 6,2-7%/năm
24 tháng: Từ 6,5-7,2%/năm    

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng lãi suất huy động: Thứ nhất là do nhiều NH có nhu cầu tăng vốn tín dụng, tuy nhiên nhu cầu này không phải diễn ra ở tất cả các NH và cũng không quá lớn. Thứ hai, do tác động bởi dự thảo sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của NHNN, trong đó có việc đưa tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn của các NH thương mại cho vay trung dài hạn từ 60% về 40%. Nếu quy định mới này được thực hiện thì nhiều NH sẽ trở nên khan vốn (bởi thực tế các ngân hàng đang thực hiện ở mức xấp xỉ). Do đó, giải pháp được cho là mang lại hiệu quả tức thời là tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay theo kế hoạch kinh doanh mà mỗi NH đặt ra.

 

Về vấn đề này, ông Trần Thùy Dương, Giám đốc NH Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên phân tích: Trên thực tế, việc tăng lãi suất ở một số kỳ hạn đã bắt đầu được nhiều NH thực hiện từ cuối năm 2015, nhưng phải đến quý I/2016 thì mới diễn ra một cách ồ ạt, tuy nhiên mức tăng không phải là quá lớn, chỉ từ 0,1-0,5%/năm (tùy kỳ hạn), với xu thế kỳ hạn dài có mức tăng cao hơn. Tại sao lại có hiện tượng này? Ông Dương cho rằng, từ năm 2014, đặc biệt là bước sang năm 2015, nhu cầu vốn tín dụng trong toàn hệ thống NH cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn, mà những khoản vay cho lĩnh vực này thường có thời hạn khá dài, có khi lên tới 20-30 năm. Trong khi đó, do mặt bằng lãi suất giữa các kỳ ngắn hạn với trung, dài hạn trước năm 2015 không có sự chênh lệch nhiều nên người gửi thường chỉ gửi ở kỳ ngắn hạn (dưới 6 tháng). Bởi thế, để có nguồn tiền bù đắp cho những khoản vay dài hạn, hiện nay nhiều NH phải tăng cường huy động. Ngoài ra, từ cuối năm 2015, trong chính sách điều hành tiền tệ của NHNN đã đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% cũng phần nào tác động đến tâm lý của một bộ phận người dân vẫn có thói quen tích lũy USD, nhiều người đã chuyển kênh đầu tư sang thị trường bất động sản. Song, hiện đây vẫn chưa phải là thị trường hấp dẫn và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, có một tỷ lệ không nhỏ người gửi đã chọn giải pháp đổi USD sang Việt Nam đồng. Và để hấp dẫn nguồn tiền này, nhiều NH chọn giải pháp tăng lãi suất huy động.

 

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên thì nhận định: Một trong những nguyên nhân khiến nhiều NH nhúc nhích tăng lãi suất huy động là do nền kinh tế thời gian gần đây có sự khởi sắc, kéo theo nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển tăng lên. Ngoài ra, do khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động khá lớn giữa các NH nhỏ với NH lớn đã khiến các NH lớn “không thể đứng im”. Dù thế nhưng hiện mức lãi suất vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN (từ 1 tháng đến dưới 6 tháng không quá 5,5%/năm). Việc tăng lãi suất huy động đã phần nào tác động đến lãi suất cho vay, nhất là ở kỳ trung và dài hạn song không phải là quá lớn. Hiện lãi suất cho vay mà các NH lớn, gồm NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Công thương (Vietinbank), BIDV và Vietcombank đưa ra vẫn chỉ dao động ở mức 7-9%/năm ở kỳ ngắn hạn; 10-11%/năm ở kỳ trung, dài hạn (tùy đối tượng doanh nghiệp và lĩnh vực vay)...

 

Ở một khía cạnh khác, theo đại diện lãnh đạo Chi nhánh Vietcombank, BIDV, Agribank, việc tăng lãi suất huy động phần nào giúp các NH lớn huy động vốn được tốt hơn, nhưng không đáng kể, bởi thực tế những năm qua đã chứng minh phần đông khách hàng tìm đến các NH lớn là vì uy tín và chất lượng các dịch vụ mà NH mang lại cho khách hàng, chứ không hoàn toàn vì lãi suất. Bởi, nếu chỉ vì lãi suất thì các NH lớn sẽ không thể cạnh tranh được với những NH nhỏ, vì mức lãi suất huy động của họ ở hầu hết các kỳ hạn đều cao hơn các NH lớn, có kỳ hạn còn lên với hơn 1%/năm. Nhưng cũng chính vì huy động cao nên họ buộc phải cho vay với lãi suất cao. Bởi thế, đối tượng phục vụ giữa NH lớn với NH nhỏ có sự khác biệt nhau khá rõ rệt và mức độ rủi ro của các NH nhỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ cao hơn. Minh chứng cho điều này, ông Trần Thùy Dương chia sẻ: Trong cả năm 2015, tất cả các kỳ hạn tiền gửi của chúng tôi đều có mức lãi suất thấp hơn các NH thương mại cổ phần nhỏ nhưng nguồn vốn huy động của chúng tôi vẫn đạt được kết quả rất tốt. Tính đến cuối năm 2015 (tức là sau 2 năm Vietcombank mở Chi nhánh trên địa bàn tỉnh), nguồn vốn của chúng tôi đã đạt 890 tỷ đồng và tính đến hết tháng 3 này đã tăng lên 1.000 tỷ đồng…

 

Nhận định về lãi suất cho vay trong thời gian tới, theo đại diện NHNN và nhiều NH lớn trên địa bàn thì nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ có sự biến động nhẹ từ giữa năm nhưng sẽ là không đáng kể và phương châm mà các NH lớn đặt ra (sẽ là yếu tố quan trong việc dẫn dắt thị trường tiền tệ) là giữ sự ổn định cao nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo và định hướng của NHNN. Do đó, nhiều khả năng sẽ không có sự đột biến về lãi suất, ít nhất là trong năm 2016.