Những năm gần đây, kinh tế tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, tạo đà tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững. Nội tại các ngành kinh tế từ công nghiệp - xây dựng, thương mại - du lịch đến nông nghiệp đều rất nỗ lực để có bước tiến mới theo hướng hiện đại. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, với nhiều định hướng lớn, giải pháp căn cơ, khả thi và sự chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt của các cấp chính quyền, chắc chắn kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngành Công nghiệp (CN) hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh việc phát triển CN truyền thống, ngành CN tỉnh đang tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng tăng trưởng mạnh CN công nghệ cao, có hàm lượng chất xám lớn. Và thực tế điều đó đang tạo ra kết quả khả quan hơn mong đợi, có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế.
Phát triển nhanh, mạnh...
Kết thúc năm 2015, tổng giá trị sản xuất CN trên địa bàn tỉnh đạt trên 365 nghìn tỷ đồng, vượt 40,5% kế hoạch đề ra cả năm và tăng gấp 2 lần so với năm trước. Trong đó, tất cả các khu vực CN đều tăng ở mức cao - điều mà nhiều năm trước không đạt được. Cụ thể, khu vực CN Trung ương tăng 23% so với năm trước và vượt khoảng 20% kế hoạch năm; CN địa phương cũng tăng gần 10%; CN có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 18%. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì đây là mức tăng trưởng khả quan và không dễ thực hiện. Những năm trước, khi giá trị sản xuất CN của tỉnh còn đạt thấp, việc tăng mấy chục phần trăm/năm sẽ tạo đột phá mạnh, nhưng khi giá trị sản xuất CN đạt ngưỡng thì việc tăng mấy chục phần trăm là rất khó. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với ngành CN tỉnh khi bước vào năm 2016 - năm mà thị trường vẫn được đánh giá còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu đề ra của tỉnh năm 2016 không hề nhẹ: Tổng giá trị sản xuất CN trên địa bàn phải đạt 438 nghìn tỷ đồng, tức là vượt tới 20% so với năm 2015.
Trước nhiệm vụ khó khăn đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách, nhiều phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp đã được triển khai, tạo ra môi trường thông thoáng thúc đẩy tăng trưởng. Và thực tế, ngay từ đầu năm kết quả sản xuất CN đã có những chuyển biến vượt bậc. Chỉ số sản xuất CN toàn tỉnh 4 tháng qua đã tăng tới 42,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm sản phẩm CN đạt sản lượng tăng cao (từ 29% đến trên 54% so với cùng kỳ năm trước) như: điện thương phẩm, điện thoại thông minh, vonfram, sắt thép, phụ tùng động cơ, nước máy thương phẩm, dụng cụ cầm tay...
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, ông La Hồng Ninh thì đây là kết quả rất khả quan, tạo tiền đề quan trọng để năm 2016 sản xuất CN có thể hoàn thành và vượt kế hoạch.
... Và bền vững
Phát triển CN hiện đại và bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Là một ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh, sản xuất CN đang đi đúng hướng với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường. Mặt khác, phát triển CN của tỉnh dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả các lợi thế địa phương về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực qua đào tạo. Trao đổi với chúng tôi, người đứng đầu Sở Công Thương, ông Nguyễn Ngô Quyết chia sẻ: Để phát triển CN bền vững, tỉnh đã và đang phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các ngành, lĩnh vực đều được quan tâm phát triển, trong đó đã đặc biệt ưu tiên phát triển ngành CN công nghệ cao, xem đây là mũi nhọn và đột phá của toàn ngành.
Mấy năm gần đây, chúng ta đã tiếp nhận một dòng đầu tư mới theo hướng CN công nghệ cao, đó là sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung và hàng loạt các nhà đầu tư thứ cấp đi theo. Từ khi Samsung có mặt, ngoài giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho mấy chục nghìn lao động, còn tạo ra làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ khi nâng giá trị sản xuất CN của tỉnh từ mấy chục nghìn tỷ đồng lên mấy trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Điều đáng nói, với tác động của mình, Samsung đã và đang kéo các doanh nghiệp trong khu vực CN này đi lên. Nếu năm 2005, ngành CN công nghệ cao chỉ đạt giá trị sản xuất là 944,8 tỷ đồng thì đến năm 2015, giá trị đã tăng lên tới gần 363 nghìn tỷ đồng, dự kiến năm 2016 sẽ tăng lên trên 400 nghìn tỷ đồng.
Ngành CN này đang sở hữu gần 120 doanh nghiệp và khoảng gần 700 cơ sở sản xuất với tổng vốn kinh doanh trên 7 tỷ USD, chiếm tới trên 92% tổng giá trị sản xuất CN trên địa bàn. Tới đây, ngành CN này còn được tiếp nhận thêm những dự án lớn có tính đột phá cao, trong đó đáng kể là Dự án xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin tập trung tại Khu CN Yên Bình.
Các nhà chuyên môn cho rằng, xu hướng phát triển CN công nghệ cao là tất yếu và mang tính bền vững, nhất là khi các ngành CN nặng, trong đó có khai khoáng, luyện kim đang sa sút và để lại những hệ lụy xấu về môi trường.
Định hướng lớn
Theo đánh giá chuyên môn, với kết quả sản xuất CN 4 tháng qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào một năm CN tăng trưởng mạnh. Năm 2016 là năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nên việc ngành CN khởi sắc ngay từ đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà cho toàn ngành sớm về đích. Theo mục tiêu đề ra cả nhiệm kỳ thì đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đạt 10%, trong đó CN, xây dựng tăng 16% trở lên; giá trị sản xuất CN năm 2020 đạt 740 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần có những chính sách, chiến lược và định hướng phát triển phù hợp. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên xung quanh nội dung này, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh chủ trương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm CN mũi nhọn sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm CN công nghệ cao, chế biến sâu để đẩy mạnh tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thì các dự án về công nghệ thông tin, CN điện tử, CN hỗ trợ, cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản gắn với sản xuất vật liệu mới, CN chế biến lâm sản, nông sản sạch và sản xuất thân thiện môi trường sẽ được ưu tiên đầu tư. Để thuận lợi cho đầu tư phát triển CN, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm CN, tăng cường thu hút các dự án đầu tư lớn, trọng điểm nhằm tạo ra các cơ sở CN chiến lược của tỉnh. Kết hợp phát triển CN có quy mô lớn, tập trung hài hòa với quy mô vừa và nhỏ, phát triển các ngành nghề ở khu vực nông thôn. Phát triển CN gắn liền với giữ gìn và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho CN phát triển bền vững...
(Còn nữa)