Bài 3: Sức bật từ thương mại - du lịch

09:32, 20/05/2016

Có lẽ chưa khi nào tỉnh ta lại thu hút được nhiều nhà đầu tư như trong hai năm trở lại đây. Cùng với sự bứt phá trong phát triển công nghiệp thì thương mại và du lịch cũng đang là những lĩnh vực tạo ra nhiều sức bật, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có tên tuổi trong và ngoài nước.

Những con số ấn tượng

 

Thái Nguyên từ lâu đã được biết đến là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 trong cả nước, với 9 trường đại học, 26 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục vạn lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Về giao thông có đủ đường sắt, đường thủy, đặc biệt là hệ thống đường bộ được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp ngày càng hiện đại, trong đó có Quốc lộ 3 mới nối với Thủ đô Hà Nội; sân bay Nội Bài chỉ cách trung tâm tỉnh chưa đến 60km… Đó là những yếu tố thuận lợi cơ bản góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, trong đó không thể không nhắc tới lĩnh vực thương mại - du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án trung tâm thương mại đã và đang được triển khai đầu tư; 24 siêu thị cùng 139 chợ truyền thống (nằm tại khu vực trung tâm các xã, cụm xã), góp phần thúc đẩy việc kinh doanh buôn bán, giao thương hàng hóa của người dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt gần 7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015.

 

Đó là trong lĩnh vực thương mại. Còn đối với du lịch thì sao? Theo đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Những năm gần đây, trung bình mỗi năm doanh thu từ du lịch trên địa bàn tỉnh tăng từ 10-15%; lưu trú du lịch tăng 18-20%, khách nội địa tăng 8-10%, khách quốc tế tăng trên 5%. Năm 2015, tổng số lượt khách đến với Thái Nguyên là gần 2 triệu người, trong đó có 65 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn xã hội về dịch vụ du lịch đạt 1.528 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch của tỉnh đạt 185 tỷ đồng...

 

Diện mạo cùng những điểm nhấn

 

Thương mại và du lịch tuy là 2 lĩnh vực song lại có mối quan hệ gắn bó khăng khít, tác động qua lại lẫn nhau. Sự phát triển của ngành này là tiền đề, cũng là động lực thúc đẩy ngành kia và ngược lại. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều công ty, tập đoàn có uy tín đã chọn Thái Nguyên làm điểm đến để đầu tư xây dựng các dự án về thương mại, du lịch. Đến nay, một số dự án đã đi vào hoạt động, như các trung tâm thương mại: Kim Thái, chợ Đồng Quang; Tổ hợp các dịch vụ khách sạn, siêu thị, nhà hàng Đông Á Plaza. Nhiều dự án đang triển khai như: Tổ hợp tháp đôi trung tâm thương mại và siêu thị kết hợp văn phòng cho thuê; Trung tâm giới thiệu và trưng bày sản phẩm; Trung tâm hội nghị và dịch vụ khách sạn 5 sao; Trung tâm thương mại và dịch vụ bảo trì ô tô cao cấp; Trung tâm tài chính và thương mại FCC; Dự án Khách sạn Grace (tại T.X Phổ Yên, với tổng mức đầu tư trên 10 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện)… Mới đây nhất, một số dự án đã được tỉnh chấp thuận đầu tư, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, như: Trung tâm Thương mại BigC; Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở Shop House của tập đoàn VinGroup…

 

Đáng chú ý, trong số các dự án này có Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Dự án được cho là lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh, chỉ sau Dự án Samsung và là dự án lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực du lịch, với mức đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu mà Dự án đưa ra là xây dựng, phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc đạt chuẩn khu du lịch Quốc gia, kết nối với các khu di tích lịch sử của tỉnh Tuyên Quang và Khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tạo thành mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội; phấn đấu trở thành quần thể khu du lịch mang tầm Quốc gia, hướng tới đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới… Sau khi hoàn thiện, Khu du lịch này sẽ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.

 

Không chỉ tập trung phát triển ở khu vực đô thị mà tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thời gian qua và những năm tiếp theo, tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng giao thông; đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, nâng cấp và làm mới các chợ truyền thống. Mục tiêu đến năm 2020, có 70% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Giải pháp và định hướng chiến lược

 

Với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đồng chí Phạm Thái Hanh cho biết, trước mắt, ngành Du lịch đang tham mưu cho tỉnh tập trung phát triển ở 2 loại hình gồm du lịch về nguồn và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ đón được 3,6 triệu lượt khách/năm; doanh thu từ du lịch đạt 460 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động; cơ cấu của lĩnh vực du lịch chiếm 3,4% trong tỷ trọng các ngành kinh tế thay vì 1,5% như hiện nay. Đối với lĩnh vực thương mại, phấn đấu trong 5 năm tới số chợ trên địa bàn sẽ là 178 (trong đó có 10 chợ đầu mối, 8 chợ hạng I, 19 chợ hạng II và 141 chợ hạng III); xây mới 29 siêu thị (1 siêu thị hạng I, 8 siêu thị hạng II và 20 siêu thị hạng III). Ngoài ra là các trung tâm thương mại; trung tâm hội chợ triển lãm vùng; sở giao dịch; sàn giao dịch hàng hóa; sàn giao dịch thương mại điện tử; hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp; các đường phố thương mại…

 

Để đạt được các mục tiêu trên, đồng thời sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cam kết thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp từ công tác cấp phép đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng đến việc phối hợp tuyển dụng lao động, đảm bảo môi trường an ninh bền vững… Bên cạnh đó, thiết nghĩ, một yếu tố khác không thể không nhắc tới, thậm chí là mang tính chất quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu đó là sự đồng thuận, tạo điều kiện của mọi người dân để giúp nhà đầu tư phát triển, từ đó gắn bó lâu dài với đất và người Thái Nguyên.