Đầu tư tiền tỷ trồng rừng ở Phú Lương

10:53, 17/05/2016

Đến xã Yên Lạc (Phú Lương), chúng tôi hỏi thăm đến nhà anh Trần Văn Hải (sinh năm 1971) không khó, bởi anh là người đầu tiên ở huyện dám đầu tư trên 1,7 tỷ đồng để trồng 53ha rừng giống mới tại xã Yên Lạc. Nhiều người dân ở đây vẫn gọi vui anh bằng cái tên “Tỷ phú rừng ở Phú Lương”.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1991, anh Hải đã lập gia đình và sinh sống tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Với bản chất, nghị lực của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau khi trở về địa phương, anh đã tìm đủ mọi cách để cải thiện đời sống của gia đình. Sinh sống trên mảnh đất có truyền thống làm chè ngon của huyện nhưng anh Hải lại không dành 2.000m2 đất của gia đình để trồng chè mà dùng vào việc chăn nuôi dê lai, lợn rừng. Lúc đầu, anh mua 8 lợn nái rừng về nuôi để sinh sản. Với 8 con lợn nái mỗi lứa sinh được 60 con, mỗi con nuôi đến khi xuất bán, anh thu được trên 2 triệu đồng/con, với 60 con/lứa, anh đã bán được hơn 100 triệu đồng. Một năm xuất bán 2 lứa lợn rừng cho anh Hải thu hơn 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Song song với chăn lợn, anh Hải còn đầu tư chăn nuôi thêm dê lai, đào trên 1.000m2 làm ao thả cá và nuôi gà ta. Bình quân, mỗi năm, riêng xuất bán 60 con dê lai, gia đình anh đã thu gần 100 triệu đồng. Anh Hải cho biết: chăn dê không khó nếu như mình hiểu được đặc tính của nó. Dê ăn cỏ, lá nhưng phải chú ý không cho ăn cỏ sớm khi còn sương, dê dễ bị tiêu chảy khó chữa.

 

Không chỉ đầu tư cho chăn nuôi, nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng, ngay trong năm 2008 và 2009, anh Hải đã tiếp tục đầu tư mua 37ha đất rừng để trồng giống keo Úc tại xã Tức Tranh (11ha) và Phú Đô (26ha) với giá trên 80 triệu đồng. Hiện nay, diện tích rừng trồng này đang đến giai đoạn cho thu hoạch, nhiều người hỏi mua anh với giá trên 1,5 tỷ đồng nhưng anh chưa bán. Đến nay, khi kinh tế rừng phát triển, anh Hải lại tiếp tục đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng để trồng 53ha giống cây bạch đàn và keo Úc (33ha bạch đàn và 20ha trồng keo Úc) tại xóm Mương Gằng, xã Yên Lạc. Nói về lý do tập trung đầu tư cho trồng rừng, anh Hải cho biết: trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài cây chè thì trồng rừng đã đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn huyện. Do đó, tôi đã quyết định ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Với diện tích bạch đàn và keo Úc mới đầu tư, trong tương lai gần sẽ thu lãi hàng tỷ đồng.

 

Giới thiệu về mô hình giống bạch đàn mới của mình, anh Hải cho biết: đây là giống bạch đàn G29 cấy mô Trung Quốc. Giống này được mua từ Bắc Giang, có ưu điểm chỉ sau 48 tháng cho thu hoạch với đường kính từ 20-25cm. Với giống này, người dân ở nhiều tỉnh khác đang bán cho các nhà máy giấy xuất khẩu với giá 150 triệu đồng/ha. Để triển khai mô hình này, cuối năm 2015, tôi đã đầu tư 720 triệu đồng để thuê 50 lao động phát dọn thực bì và trồng cây. Ngoài ra còn đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua trên 11 vạn hom giống (giá giống bạch đàn 3.600 đồng/cây; keo Úc 1.200 đồng/cây). Hiện nay, tại khu vực rừng mới này, tôi đang có 6 lao động thường xuyên trực chăm sóc, trông nom đồi cây.

 

Cùng với việc trồng cây bạch đàn và keo Úc, anh Hải đã dành một phần diện tích để xây dựng lán, trại cho công nhân ở, để trên 1.000m2 làm vườn ươm giống cây bạch đàn. Theo dự định, anh cũng sẽ đào ao để chăn thả cá và trồng cỏ để chăn trâu tại khu vực này. Nhận xét về anh Hải, ông Phạm Khắc Thủy, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp của xã Yên Lạc cho biết: Huyện Phú Lương có trên 17.000ha diện tích đất lâm nghiệp thì đã có hơn 14.000ha rừng trồng, trong đó tập trung nhiều ở các xã như Yên Lạc, Phú Đô, Yên Ninh, Ôn Lương… Nhận thấy lợi ích kinh tế từ rừng, những năm trở lại đây người dân trên địa bàn đã tập trung đầu tư cho trồng rừng. Đã có nhiều cá nhân thuê, mua quyền sở hữu diện tích đất để trồng rừng, tuy nhiên quy mô cũng chỉ dừng ở vài chục ha. Việc anh Hải tập trung đầu tư cho trồng rừng hay chăn nuôi thể hiện được con người dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư. Về phía đơn vị quản lý, chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện như hỗ trợ phân bón hay cây giống theo các dự án mà Nhà nước hỗ trợ để anh Hải có thêm điều kiện phát triển.

 

Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: đồng chí Trần Văn Hải là người tiên phong trong phát triển kinh tế từ trồng rừng ở địa phương. Không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà đồng chí còn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với vai trò là Bí thư Chi bộ ở xóm, gương mẫu trong mọi phong trào của xóm, xã. Đây cũng là tấm gương mà chúng ta nên học hỏi và noi theo.