Kinh doanh rất cần sự chuyên nghiệp

08:12, 21/05/2016

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Minh Tâm của chị Nguyễn Thanh Hà, ở tổ dân phố 3, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) là một trong số ít doanh nghiệp hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể phục vụ công nhân Nhà máy Điện tử Samsung. Hiện, Công ty giải quyết việc làm cho 11 người lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Khi chúng tôi đến, chị Hà và công nhân đang bận rộn với việc sản xuất bún, đậu để kịp giao hàng trong buổi chiều cho bếp ăn tập thể của Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên. Trong khu nhà xưởng có diện tích hơn 400m2, từng gian sản xuất đậu, bún, giò chả, kho chứa gạo, đỗ được sắp xếp khoa học với hệ thống điện, nước và thiết bị máy móc hiện đại. Công nhân được trang bị quần áo bảo hộ lao động đang hối hả làm việc trong tiếng động cơ chạy rền rền. Nơi sản xuất, từ bể ngâm gạo, nồi hơi, thùng để nước đậu và đậu phụ đều có nắp đậy.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Hà chia sẻ kỷ niệm ngày đầu tiên khi bắt tay vào kinh doanh với bao khó khăn vất vả. Đó là năm 2014, khi đang là nhân viên của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Sông Công, chị gặp được người ở Công ty Fosika và Công ty Ba Sao (l2 công ty ký hợp đồng chuyên cung cấp thực phẩm an toàn cho các bếp ăn tập thể của Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên) đang đi tìm các hộ dân có khả năng cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Sau khi trao đổi các vấn đề, thống nhất điều khoản như cam kết giao hàng đúng số lượng, giờ giấc và đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm, chị đã bàn với gia đình quyết định ký hợp đồng làm nhà cung cấp đậu phụ, mỗi ngày 5-6 tạ.

 

Mặc lời can ngăn của mọi người trong gia đình, chị vẫn quyết tâm làm. Lúc đầu, chị Hà lấy lại đậu của anh chị họ làm lâu năm ở T.P Thái Nguyên để giao cho 2 công ty. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển cao, đậu tính theo cân bị hao nước nên chị hầu như không có lãi. Chị đã thu xếp thời gian để tìm hiểu nguồn cung cấp đỗ tương và học kỹ thuật làm đậu ở nhiều hộ kinh doanh. Khi đã có nghề trong tay, chị đầu tư máy móc, thuê thêm người làm để sản xuất đậu phụ tại nhà. Trong cái nóng hừng hực của than củi và hơi nước, ngày ngày chị phải thức dậy từ 2-3h sáng để làm đậu. Mỗi ngày giao 5-6 tạ đậu cho các công ty có thể thu lãi hàng triệu đồng, nhưng chị luôn thiếu ngủ.

 

Chị Hà nói: Có làm việc với các công ty này mới thấy, họ rất nguyên tắc trong việc yêu cầu giao hàng đúng giờ, nếu chậm, trừ tiền. Đậu, bún không được phép cho hàn the hay thạch cao gì bởi nếu họ phát hiện có hóa chất sẽ hủy cả chuyến hàng và yêu cầu bồi thường... Trước khi nhận hàng, họ test rất kỹ thực phẩm, mỗi tháng đều có kiểm tra đột xuất tại nhà xưởng và 3 tháng 1 lần tổ chức đánh giá về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu không đạt sẽ hủy hợp đồng. Khi kinh doanh tôi đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Tôi đã làm thủ tục để được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở và từ khi ký hợp đồng đến nay, chưa lần nào công ty bị đối tác trả hàng hay phạt tiền vì thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Các công ty này cũng rất quan tâm đến việc đào tạo các nhà cung cấp thực phẩm. Mỗi năm, tôi đều được đi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nhà cung cấp khác ở Bắc Ninh để việc kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Tôi luôn đặt tiêu chí để mình và các công nhân làm việc khoa học, hơn trong từng khâu, từ chọn nguyên liệu như đỗ, gạo đến sản xuất, giao hàng.

 

Anh Nguyễn Hồng Quân, công nhân sản xuất chính tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Minh Tâm cho biết: Chúng tôi làm ở đây đều được chị Hà cho đi học nghề làm bún, đậu phụ, được tham gia các lớp học nghiệp vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Hà yêu cầu rất khắt khe về kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn, làm việc phải mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, khẩu trang đầy đủ. Khu vực sản xuất phải luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ.

 

Trước nhu cầu của công ty ngày một tăng, cuối năm 2015, chị Hà ký thêm hợp đồng cung cấp bún và các loại bánh làm từ tinh bột như bánh phở, bánh cuốn, bánh rán, bánh mỳ, quẩy. Tiền lãi mấy năm kinh doanh, cộng với số tiền gia đình hỗ trợ và vay ngân hàng, chị đã mua gần 2.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng và nhà ở cho công nhân. Chị cũng mua 2 xe tải phục vụ cho việc vận chuyển.

 

Bước đầu thành công, nhưng chị Hà vẫn còn nhiều băn khoăn. Chị bày tỏ: Tham khảo một số nhà cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn ở Nhà máy Điện tử Samsung Bắc Ninh hiện nay, tôi thấy tỉnh Bắc Ninh có cơ chế ưu tiên số 1 cho những doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh nếu tham gia đấu thầu lĩnh vực này. Theo con số tôi nắm được thì hiện có hơn 90% doanh nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn cho các bếp ăn tại Nhà máy Điện tử Samsung Thái Nguyên là của Bắc Ninh. Trong khi đó, các hộ, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ của Thái Nguyên cung ứng trứng, bún, đậu, hàng khô, hoa cho họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi rất mong tỉnh và các ngành chức năng có cơ chế để các hộ, doanh nghiệp kinh doanh có thể được cung cấp thực phẩm và nhiều mặt hàng khác tại Nhà máy này.

 

Thời điểm hiện tại, Công ty của chị Hà mỗi ngày cung cấp hơn 2 tấn hàng cho bếp ăn tập thể Nhà máy Điện tử Samsung, với giá 6.500-10.600 đồng/kg. Mỗi tháng, Công ty có tổng doanh thu từ 400-800 triệu đồng, nộp thuế 10 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 30 triệu đồng. Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, tháng 8 tới, chị sẽ đưa dây chuyền sản xuất giò, chả vào hoạt động và thời gian không xa, mặt hàng thực phẩm của Công ty cung ứng sẽ phong phú hơn...