“Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp phát triển làng nghề, đã đi nhiều nơi nhưng tôi hiếm gặp được người tâm huyết với các làng nghề như ông Huân. Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên là đơn vị tiêu biểu về hiệu quả hoạt động, kết quả đó có công lớn của ông ấy!”. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề (LN) Việt Nam nhận xét ngắn gọn như vậy về Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên - ông Bùi Quang Huân.
Thứ Bẩy, ngày 14-5, tôi hẹn gặp ông Bùi Quang Huân nhưng cũng hôm đó ông có lịch đến thăm LN Bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, Phú Lương), vậy là “công đôi ba việc”, chúng tôi cùng lên đường. Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng ban Quản lý LN Bánh chưng Bờ Đậu thấy ông Huân vồn vã đón chào như được gặp người thân lâu ngày xa cách. Cuộc trao đổi giữa họ xoay quanh việc nấu bánh chưng của bà con rồi đến chuyện phát triển LN. Các hộ được hỗ trợ thiết bị theo Đề án Nhân rộng LN điểm của tỉnh hoạt động thế nào? Bà con có thiếu điện sản xuất nữa không? Nấu bánh có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có gây ô nhiễm môi trường không? Bắt đầu đến mùa hè rồi, việc tiêu thụ bánh có khó khăn hơn không?... Những điều ông Huân quan tâm cũng là trăn trở của Ban Quản lý và nhiều người dân tâm huyết ở LN này. Bà Liên vừa trả lời người đứng đầu Hiệp hội LN tỉnh vừa hỏi lại: Theo bác phải làm thế nào?
Trong số nhiều lần ông Bùi Quang Huân đến tận nơi tư vấn, động viên LN, bà Liên không quên cuộc họp cách đây hơn 1 năm. Cuộc đối thoại đó xuất phát từ ý tưởng của ông Bùi Quang Huân khi Ban Quản lý LN Bánh chưng Bờ Đậu mới được kiện toàn, đang lúng túng trong hoạt động, nhất là trước sự phân tán về tư tưởng của người dân làm nghề. Trong buổi tối mùa hạ mưa rả rích, các thành viên LN tập hợp tại Nhà văn hóa nghe ông Huân giảng giải, phân tích việc có hay không nên tham gia dự án thuộc Đề án Nhân rộng LN điểm của tỉnh. Còn người dân thì lo về nguồn tiền đối ứng mua thiết bị sản xuất bánh chưng, nghi ngờ về nguồn gốc và chất lượng của thiết bị máy móc được hỗ trợ và nhiều vấn đề khác. Cuộc họp bắt đầu lúc gần 8 giờ tối, kết thúc lúc hơn 11 giờ đêm khi trời vẫn đang mưa. Kết quả là mọi người đã đồng thuận tham gia khi được giải đáp thỏa đáng mọi vấn đề, hiểu mục đích của Dự án cũng chính là nhằm mang lại lợi ích cho mình. Bà Nguyễn Bích Liên cho rằng, việc triển khai Dự án hơn 1 năm qua đã giúp ích cho LN rất nhiều, góp phần làm chuyển biến tư duy sản xuất, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể cùng xây dựng và bảo vệ thương hiệu chung của người dân LN.
Tạm gác câu chuyện với Trưởng ban Quản lý LN Bánh chưng Bờ Đậu, ông Huân đi thăm một số hộ để trực tiếp nắm bắt thông tin và động viên bà con. Người đàn ông 66 tuổi có tác phong giản dị đó đi đến đâu cũng được đón chào nồng hậu.
Bà Nguyễn Bích Liên chia sẻ: Người làm nghề ở Bờ Đậu ai cũng biết và quý trọng ông Huân vì sự nhiệt tình, tâm huyết và gần gũi với bà con. Khi chúng tôi cần tư vấn, trợ giúp là ông ấy sẵn sàng. Không ít lần ông Huân đã dùng xe ô tô cá nhân để đưa các thành viên Ban Quản lý đi giải quyết công việc của LN. Hiện, thương hiệu Bánh chưng Bờ Đậu ngày càng phát triển, đời sống của người dân làm nghề được nâng cao, mọi người đều trân trọng tấm lòng và sự giúp đỡ tận tình của ông ấy. Trong cộng đồng LN, chúng tôi vẫn nói vui với nhau: Ông Huân như “đầy tớ” của các LN!
Cũng như bà Nguyễn Bích Liên, nhiều người dân và đại diện ban quản lý các LN trong tỉnh đều có nhận xét tương tự. Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng ban Quản lý LN Chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), cho biết: LN và thương hiệu chè của xóm giờ đã khá nổi tiếng, điều kiện kinh tế của người làm chè ngày một sung túc, có được điều đó chúng tôi không quên sự tư vấn, giúp đỡ thường xuyên của ông Bùi Quang Huân. Từ khi lập hồ sơ và làm các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận LN vào năm 2012 đến việc xây dựng Quy chế hoạt động, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của LN, ông Huân đều quan tâm giúp đỡ bằng cách đến trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại. Trong xóm ai cũng biết và coi ông Huân như người thân thiết…
Gần 40 năm công tác, trong đó có nhiều năm giữ các cương vị quan trọng như Giám đốc Công ty Phụ tùng ô tô số I (nay là Công ty CP Phụ tùng máy số I), Giám đốc Sở Công nghiệp Thái Nguyên (nay là Sở Công Thương), đại biểu Quốc hội khóa X (nhiệm kỳ 1997-2002), đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011, ông Huân luôn giữ tác phong giản dị và gần gũi. Ông chia sẻ, vì luôn lắng nghe người dân trên vai trò là đại biểu dân cử nên tôi thấu hiểu bà con mong muốn thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đến thế nào. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, trên cương vị là Giám đốc Công ty Phụ tùng ô tô số I, tôi đã tổ chức nghiên cứu và sản xuất nhiều loại máy cơ khí nông nghiệp như máy vò chè, tôn quay chè bằng inox, giàn tưới, máy gặt. Các loại máy này giúp giảm bớt sự nặng nhọc và tăng năng suất lao động cho người nông dân, bà con phấn khởi và mình cũng rất tâm đắc.
Ông Huân nghỉ hưu cuối năm 2009 cũng là lúc Sở Công Thương đang xúc tiến thành lập Hiệp hội LN tỉnh. Được sự tin tưởng, động viên của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở, ông không đắn đo khi đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hiệp hội LN tỉnh Thái Nguyên, với động lực quan trọng nhất là bản thân còn sức để cống hiến và làm việc có ích cho người dân. Nhận nhiệm vụ mới với nhiều “con số 0”: Không có kinh nghiệm và tiền lệ, không nhân lực chuyên trách, không văn phòng và thiết bị riêng..., ông Huân vui vẻ với mức thù lao 0 đồng để gây dựng tổ chức hội của cộng đồng LN tỉnh. Quan niệm đây như mảnh đất mới cần kiên trì khai phá, cải tạo dần dần, ngoài việc tranh thủ sự tạo điều kiện của tỉnh và Hiệp hội LN Việt Nam, ông Huân trau dồi và đúc rút kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ông thường bỏ tiền túi để mua xăng, tự lái xe cá nhân đến trực tiếp tư vấn, giúp đỡ và động viên các LN.
Hiệp hội LN tỉnh vừa tổ chức Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2016-2021), ông Bùi Quang Huân nhận được tín nhiệm cao để tái cử chức Chủ tịch. Nhìn lại sau 5 năm thành lập, Hiệp hội LN tỉnh Thái Nguyên từ sơ khai đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận: Số LN được công nhận từ 12 tăng lên 162 với 22,7 nghìn lao động (vượt 62% chỉ tiêu, về trước kế hoạch 2 năm), trong đó có 2 LN tiêu biểu Quốc gia và 3 LN tiêu biểu cấp tỉnh; số hội viên của Hiệp hội hiện là 210 tổ chức, cá nhân; sự phát triển của các LN đã góp phần tích cực vào tăng trưởng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và LN của tỉnh giai đoạn 2010-2015…
Mặc dù vậy, ông Bùi Quang Huân vẫn luôn trăn trở trước một số khó khăn ở các LN trên địa bàn tỉnh. Đó là động lực tiếp tục thôi thúc ông nỗ lực cống hiến, góp sức cải thiện đời sống của người dân làm nghề./