Theo thông tin từ Chi cục BVTV, hiện ở các huyện phía Nam của tỉnh, lúa đang ở giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi; ở các địa phương còn lại, lúa đang ở giai đoạn đòng - trỗ. Tuy nhiên, rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên lúa ở một số địa phương trong tỉnh.
Rầy nâu, rầy lưng trắng thường phát triển mạnh trong điều kiện vụ xuân. Rầy thường phát sinh 2 đợt. Đợt 1, phát sinh gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái (từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4) trên các giống lúa như Nhị ưu 838, LC 212, LC 25, LC 270, Bắc thơm, Hương thơm, D.ưu 527. Ở giai đoạn này rầy thường phát sinh thành từng ổ. Đợt 2, gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi. Ở đợt này, phạm vi mức độ gây hại của rầy thường lớn nên dễ gây ra hiện tượng cháy rầy do đó cần tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt rầy này để phòng, trừ kịp thời. |
Từ khi phát hiện ruộng lúa của gia đình xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa xuân, hơn một tuần nay, ngày nào ông Hà Trọng Tứ, xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) cũng ra đồng kiểm tra, thăm đồng. Ông cũng đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phun thuốc phòng, trừ khi mật độ rầy tăng cao. Ông cho biết: Tôi đã phun thuốc phòng, trừ rầy cho lúa một lần rồi nhưng mật độ rầy giảm không đáng kể. Vì vậy tôi phải tiếp tục phun lần thứ hai. Hiện tại, mật độ rầy đã bắt đầu giảm nhưng tôi vẫn phải thường xuyên thăm đồng…
Không riêng ông Tứ mà nhiều hộ nông dân trong xã cũng rất chủ động phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa xuân. Có được sự tích cực ấy của người dân là do ngay từ đầu tháng 5, khi kiểm tra thấy rầy nâu, rầy lưng trắng phát triển trên diện rộng (xã có 150ha lúa vụ xuân thì 70% diện tích bị nhiễm rầy, trong đó nơi lúa có mật độ nhiễm rầy cao nhất, khoảng 3.000 con/m2 thuộc địa phận xóm Trung Thành, Bắc Thành, Cây Xanh), lực lượng Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV), lực lượng Khuyến nông thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa. Bà Hà Thị Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho hay: Từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi đã ra 2 thông báo khẩn, trong đó thông tin về tình hình phát triển cũng như dự báo mức độ gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng cho nông dân. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách phòng, trừ. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng cháy rầy. Ngoài xã Quyết Thắng còn có các xã Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) và một số xã thuộc huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương… có những diện tích lúa, mật độ rầy lên tới 5.000 đến 7.000 con/ m2.
Mặc dù diện tích lúa bị nhiễm rầy không cao hơn (khoảng 700ha) so với mọi năm nhưng hình thái thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho rầy phát triển. Dự báo trong những ngày tới, mật độ rầy sẽ tiếp tục tăng cao, khả năng gây cháy rầy có thể xảy ra từ nay đến cuối tháng 5 nếu không được phòng trừ kịp thời. Nhận thấy tính chất phức tạp của tình hình sâu bệnh hại lúa xuân, ngày 18-5, UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu các cấp, ngành chức năng phải tích cực vào cuộc. Trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo lực lượng BVTV, Khuyến nông phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng cán bộ tổ chức triển khai ngay công tác kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn cho nông dân áp dụng các biện pháp phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hiệu quả, quyết tâm không để phát sinh thành dịch lớn gây hại...
Theo đó, ngành chức năng cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rầy rất quyết liệt. Riêng đối với Chi cục BVTV, từ đầu tháng 5 đến nay đã phối hợp với lực lượng khuyến nông, các địa phương thành lập một số đoàn công tác đi kiểm tra đột xuất tại các địa bàn có diện tích lúa bị nhiễm rầy với mật độ cao, nắm bắt tình hình để có những phương án phòng, trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hiệu quả. Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Để phòng, trừ rầy gây hại lúa xuân, bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện ổ rầy. Sử dụng thuốc khi cần thiết và chọn thuốc thích hợp: Rầy nâu và rầy lưng trắng có tính kháng thuốc rất cao nhất là rầy nâu. Vì thế, muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, nông dân cần phun thuốc khi thật cần thiết (phun khi mật độ rầy từ 50 đến 60 con/khóm). Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt. Khi mật độ rầy đến ngưỡng phải phun trừ bằng thuốc, cần ưu tiên chọn lựa các loại thuốc đặc trị để diệt trừ hiệu quả như Chess, Newfatoc, Chatot, Butyl, Anproud, Bassan, Pennaty, Esin… Sau khi phun thuốc 3 - 5 ngày cần kiểm tra lại ruộng nếu mật độ rầy còn cao cần phải phun nhắc lại lần 2. Đặc biệt, bà con cần thực hiện tốt các kỹ thuật phun thuốc. Trước khi phun nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy...
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 30,6 nghìn ha lúa, bằng 105,6% kế hoạch, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Từ nay đến khi thu hoạch lúa xuân (gần 1 tháng nữa) chỉ còn rầy nâu, rầy lưng trắng là đối tượng sâu bệnh gây hại nguy hiểm nhất cần được phòng, trừ. Do đó, để vụ xuân giành thắng lợi, cùng với những giải pháp quyết liệt của tỉnh thì người dân rất cần được cung cấp các loại thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, từ đó mới giúp cho việc phòng, trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả cao.