Lâu nay sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau, củ, quả của tỉnh ta chưa thể vào được các bếp ăn tập thể lớn hay các thị trường khó tính cũng là bởi chúng ta chưa có mô hình sản xuất nông nghiệp sạch tương xứng. Đó là điều đã thôi thúc một doanh nghiệp đứng ra liên kết đầu tư xây dựng Dự án Trang trại nông nghiệp sạch quy mô lớn tại huyện Đồng Hỷ. Đây được xem là bước khởi đầu ý nghĩa, mở ra cơ hội phát triển cho ngành sản xuất thực phẩm an toàn của tỉnh.
Quy mô đủ lớn
Thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng các bếp ăn tập thể của Samsung Thái Nguyên tại T.X Phổ Yên và các khu công nghiệp, các trường đại học trên địa bàn cũng tiêu thụ hàng chục tấn thực phẩm, rau, củ, quả mỗi ngày. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của người nông dân địa phương còn manh mún theo thời vụ, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Bởi vậy, hiện tại các chợ, siêu thị vẫn phải nhập rau, củ, quả từ các tỉnh lân cận hay từ nước ngoài để kinh doanh. Mặt khác, không ít đơn vị, doanh nghiệp đã quay lưng với sản phẩm nông nghiệp ở địa phương vì lý do chất lượng không đảm bảo. Trước thực trạng đáng báo động về thực phẩm bẩn hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng đến các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn để được sử dụng các sản phẩm tươi sống nhập khẩu dù phải chịu giá cao gấp nhiều lần.
Thực tế đó đã đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được những trang trại quy mô lớn, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, để cho ra các sản phẩm thật sự an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, được tỉnh chấp thuận, Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đã mạnh dạn đầu tư Trang trại nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Trang trại có quy mô 23ha, mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng với phần lớn thiết bị, công nghệ trồng, chế biến, bảo quản được nhập từ Nhật Bản. Hiện tại, nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành và có sản phẩm vào cuối năm 2016. Ông Hồng Sĩ Hưng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc cho hay, Dự án này được xây dựng trên cơ sở liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) nên có tính bền vững cao. Đặc biệt, Doanh nghiệp đã ký hợp tác với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời làm cơ sở đào tạo, thực hành cho sinh viên của Nhà trường.
Trong giai đoạn đầu triển khai, Doanh nghiệp sẽ xây dựng 10 nhà kính với tổng diện tích khoảng 30.000m2 để sản xuất rau, củ, quả sạch bằng phương pháp thủy canh và bán thủy canh. Tại đây, cũng bố trí khu vực riêng để nhân giống rau, củ, quả chất lượng cao phục vụ sản xuất tại chỗ, đồng thời hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón cho người dân địa phương sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đơn vị sẽ đứng ra kiểm nghiệm chất lượng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân.
Hứa hẹn có sản phẩm "4 sạch"
Là mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên các công đoạn cho ra đời sản phẩm nông nghiệp sạch của Trang trại được tuân thủ khá nghiêm ngặt. VietGap có quy định rất rõ 10 bước sản xuất an toàn gồm: Chọn đất trồng, nguồn nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng. Khi triển khai mô hình Trang trại nông nghiệp sạch, 10 bước sản xuất này đã được đơn vị tổng hợp lại thành "4 sạch" gồm: đất sạch, nguồn nước sạch, chăm sóc, thu hoạch sạch và bảo quản, sử dụng sạch.
Về nguồn đất, Dự án nằm ở vị trí khá thuận lợi, hội đủ các điều kiện để sản xuất rau an toàn. Trong tổng diện tích 23ha đất, có khoảng 5ha đất bằng phẳng đã từng canh tác rau màu, còn lại là đất đồi, ao, vườn, chất đất phù hợp. Xung quanh Trang trại không có bất kỳ khu, cụm công nghiệp hay bệnh viện nào, lại cách trung tâm T.P Thái Nguyên khoảng 6km nên không bị ảnh hưởng từ các chất thải hay tồn dư hóa chất độc hại.
Đối với nguồn nước tưới, Trang trại rất thuận lợi vì nằm cạnh sông Linh Nham với chất lượng nước đảm bảo, không bị ô nhiễm. Tại đây, sẵn có con đập cao 3m, có khả năng giữa nước tưới tiêu quanh năm cho khoảng 100ha đất nông nghiệp. Trước khi đưa vào tưới, nước sẽ được lấy lên từ sông, qua hệ thống xử lý theo tiêu chuẩn cho phép (có thể sử dụng làm nước uống tại chỗ) nên rất an toàn.
Để chăm sóc, thu hoạch theo đúng quy trình "sạch" của VietGap, doanh nghiệp đã kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên áp dụng phương pháp, kỹ thuật tiên tiến như: Sử dụng nhà lưới, nhà kính, màng linon... để phòng ngừa sâu bệnh, tăng chất lượng sản phẩm. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để luôn đảm bảo độ ẩm cho rau, đồng thời tiết kiệm nguồn nước. Ngoài ra, Trang trại lựa chọn sử dụng con giống loại ưu, không mang nguồn sâu bệnh để đưa vào trồng. Áp dụng các phương pháp bón phân, phòng, trừ sâu bệnh đúng cách, không độc hại để đảm bảo rau, củ, quả mang ra tiêu dùng được an toàn tuyệt đối. Việc thu hoạch, sơ chế và vận chuyển sản phẩm đều do đội ngũ công nhân kỹ thuật giám sát, điều hành đúng cách, đóng gói theo tiêu chuẩn đặt hàng.
Bảo quản rau, củ, quả sạch sẽ được thực hiện theo nhiệt độ tiêu chuẩn 20 độ C, lưu trữ trong dây chuyền kho đông lạnh không quá 2 ngày, phân phối theo các hợp đồng đặt hàng tiêu thụ. Do thực hiện theo quy trình an toàn nghiêm ngặt nên rau, củ, quả sản xuất tại đây có thể sử dụng ngay mà không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác. Theo đánh giá của ông Lương Hùng Tiến, tiến sĩ công nghệ thực phẩm sinh học (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), với các điều kiện cần và đủ như trên, Trang trại này hoàn toàn có thể sản xuất rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
Tạo điều kiện để sớm hoàn thành
Thời gian qua, đã có không ít ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, song thực tế đến thời điểm này toàn tỉnh chỉ duy nhất Dự án Trang trại nông nghiệp sạch của Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc là đang được triển khai xây dựng. Do vậy, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện và cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền địa phương. Được biết, hiện tại Dự án đang trong quá trình gấp rút triển khai, song vẫn còn vướng mắc 1,8ha đất chưa thể giải phóng mặt bằng. Đây là diện tích đất đồi rừng của hai hộ dân từ nơi khác đến mua lại đất của người dân trong xã. Tuy nhiên, do hai hộ này đòi giá bồi thường quá cao, lên tới 3,5 tỷ đồng (gấp nhiều lần so với giá Nhà nước quy định), nên đến nay huyện Đồng Hỷ vẫn chưa thể bàn giao phần diện tích này cho nhà đầu tư. Đây là khu vực được quy hoạch để lắp đặt hệ thống nước tưới cho toàn bộ trang trại và là một trong những hạng mục phải triển khai xây dựng sớm nhất. Điều đáng nói là mặc dù có thông báo quy hoạch chi tiết dự án, cần giữ nguyên hiện trạng đất đai, nhưng hai hộ dân nói trên vẫn đưa máy móc thiết bị đến đào bới làm biến dạng địa hình. Chủ doanh nghiệp mong muốn sớm được bàn giao tổng thể mặt bằng để hoàn thành Dự án theo tiến độ cam kết.