Sức bật mới của ngành kinh tế chủ lực

08:49, 14/05/2016

Sản xuất công nghiệp, thương mại được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của tỉnh. Sở dĩ nói vậy bởi từ lâu, tỉnh ta đã xác định công thương là “đầu tàu” và thực tế cho thấy ngành kinh tế mũi nhọn này đang chiếm tỷ trọng  lớn nhất trong cơ cấu phát triển chung của tỉnh. Thành quả đó được tạo dựng bởi nhiều nhân tố, trong đó có những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước về công thương.

Với những thành quả đạt được thời gian qua, ngành Công Thương Thái Nguyên đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Cờ thi đua, Huân chương Lao động của Trung ương trao tặng. Riêng năm 2015, ngành Công Thương tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cách đây tròn 65 năm, ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Công Thương ngày nay. Cùng với cả nước, ngành Công Thương Thái Nguyên đã tạo dựng được nhiều dấu ấn trong suốt quá trình xây dựng và phát triển những năm qua. Những cái tên đã đi vào lịch sử như: Khu công nghiệp (KCN) Gang thép Thái Nguyên (cái nôi của ngành Công nghiệp luyện kim cả nước), KCN Gò Đầm (nơi phát triển sớm của ngành cơ khí chế tạo máy với các nhà máy cơ khí lớn nhất nhì Việt Nam), Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn… đến nay vẫn giữ vai trò nền tảng cho ngành Công Thương địa phương phát triển.

 

 

Dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại Núi Pháo đang phát huy hiệu quả.

 

 

Phát huy bề dày truyền thống đó, trong giai đoạn hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, ngành Công Thương tỉnh ta đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế to lớn của mình trong bức tranh kinh tế ở địa phương. Theo đánh giá của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thì 65 năm qua, ngành Công Thương đã có những bước tiến mạnh mẽ, xứng đáng là lá cờ đầu trong lao động, sản xuất, thực hiện những nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điểm nhấn của Ngành chính là hệ thống các quy hoạch, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

 

 

Một góc Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình).

 

Sự trưởng thành của ngành Công Thương tỉnh được thể hiện rõ nét qua từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống gồm 6 KCN tập trung và 32 cụm công nghiệp với diện tích lên tới 2.630ha. Trong đó, đáng chú ý là các KCN có lợi thế đặc biệt về thu hút đầu tư như: KCN Yên Bình, thu hút được các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng tỷ USD, trong đó nổi bật là Dự án đầu tư các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử của Tập đoàn Samsung; các KCN Điềm Thụy, Nam Phổ Yên, Sông Công thu hút cả trăm dự án lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án phụ trợ cho Samsung. Trước những đòi hỏi từ thực tế phát triển, ngành Công Thương đã mạnh dạn điều chỉnh cơ cấu nội ngành cho phù hợp trên cơ sở dịch chuyển từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó ngành cũng chủ trương vừa phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vừa tăng cường cho ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, luyện kim, chế tạo máy để tạo năng lực đa chiều. Đối với khu vực thương mại, hiện nay toàn tỉnh đã và đang đầu tư 22 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 54 cửa hàng tự chọn và 139 chợ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương mua sắm của nhân dân. Mạng lưới thị trường từ thành thị đến nông thôn đã phát triển và mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đảm bảo hài hòa, ổn định cả về sản xuất và tiêu dung.

 

Những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực Công Thương đã có nhiều khởi sắc. Tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh hiện đã ở con số 102 dự án, với số vốn đăng ký lên tới trên 7 tỷ USD. Nhờ vậy mà đến năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đang chiếm tới 49,4%, dịch vụ chiếm 34% trong cơ cấu GDP toàn tỉnh. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt trên 365 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2010; tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 10 năm, từ 2006 đến 2015 đã đạt mức 40,5%/năm. Giá trị xuất khẩu cũng đạt 17,5 tỷ USD năm 2015, bằng 10% giá trị xuất khẩu của cả nước, trở thành địa phương có giá trị xuất khẩu lớn toàn quốc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đạt trên 19.700 tỷ đồng…

 

Mặc dù kết quả đạt được của ngành Công Thương rất khả quan, song theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Công Thương, thực tế vẫn còn không ít thách thức ở phía trước. Bởi vậy, Ngành cũng đã xác định được những giải pháp phát triển căn cơ trong giai đoạn tới. Về công nghiệp, Ngành chủ trương tiếp tục phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào một số khu vực có giá trị gia tăng lớn, đang là lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường. Về dịch vụ thương mại, Ngành chủ trương phát triển theo hướng nhanh, đa dạng và chất lượng với các loại hình dịch vụ hiện đại, tiện ích, đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, quan tâm phát triển một số ngành, sản phẩm, dịch vụ thế mạnh có lợi thế so sành như thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng... Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ…