Trong điều kiện thu hoạch vụ đông xuân muộn, thời tiết diễn biến bất thường, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với vụ lúa mùa năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp các địa phương tích cực, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất phù hợp.
Bố trí thời vụ gieo cấy hợp lý
Theo đánh giá sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về vụ lúa đông xuân 2015-2016, tổng diện tích gieo cấy toàn miền bắc đạt khoảng 805 nghìn ha (giảm khoảng 9.000 ha so với năm trước), dự kiến sản lượng đạt 5.019,6 nghìn tấn (giảm khoảng 50 nghìn tấn so với vụ lúa đông xuân năm 2014-2015). Đến thời điểm hiện tại, những trà xuân sớm, xuân trung ở nhiều vùng chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, do thời gian lúa trổ bông chậm hơn so với vụ đông xuân năm trước từ bảy đến mười ngày, đã rút ngắn thời gian chuyển từ vụ đông xuân sang vụ mùa, ảnh hưởng lớn đến việc làm đất, gieo cấy lúa mùa. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng sâu, bệnh lưu trú, gia tăng mật độ, phát triển gây hại trên lúa mùa, nhất là trà lúa mùa sớm, cực sớm. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn trung ương, những tháng tới, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, En Ni-nô sắp kết thúc, một giai đoạn chuyển tiếp là En sô và tiếp theo là La Ni-na khiến cho sản xuất vụ mùa ở các tỉnh miền bắc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Nắng nóng tập trung từ nay cho đến tháng 8 sẽ làm tăng nguy cơ sâu bệnh hại, nhất là vào cuối vụ thường gây hại nặng cho sản xuất.
Tại Bắc Ninh, theo Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN và PTNT) Dương Đức Hồng Tuấn, vụ mùa năm 2016, toàn tỉnh Bắc Ninh phấn đấu gieo trồng 38.200 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích lúa 35.500 ha, cây màu, cây công nghiệp là 2.700 ha. Thời vụ gieo cấy từ ngày 20 đến 30-6, cơ bản cấy xong trước 20-7, tập trung vào trà mùa trung (chiếm 93,7%). Lường trước được khó khăn, nhiều địa phương ở Bắc Ninh đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa. Trong đó việc chuẩn bị đủ lượng giống lúa bảo đảm chất lượng được ưu tiên hàng đầu. Vụ mùa năm nay, người dân chủ yếu trồng các giống lúa chủ đạo là nếp, lúa tẻ thơm và lúa lai các loại.
Theo ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa 2016, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 33 nghìn ha, trong đó gần 28 nghìn ha lúa. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương bố trí cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Theo đó, đối với trà mùa sớm, người dân nên sử dụng các giống lúa: Thiên ưu 8, nếp 97, HT1,… thời vụ gieo từ 5 đến 10-6, tuổi mạ 10 đến 15 ngày. Đối với mùa trung, sử dụng các giống: Thiên ưu 8, HT1… gieo từ 15 đến 20-6, tuổi mạ 15 đến 30 ngày. Cùng với đó, các đơn vị phục vụ sản xuất nông nghiệp chuẩn bị đủ giống và các loại vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.
Tính trên phạm vi toàn miền bắc, vụ mùa năm 2016, diện tích gieo cấy khoảng 1.322 nghìn ha, giảm 12 nghìn ha so với năm 2015. Dự kiến năng suất trung bình đạt 50,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 6,622 triệu tấn. Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, về thời vụ gieo cấy đối với khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du miền núi phía bắc, việc bố trí thời vụ và lựa chọn cơ cấu giống mùa cực sớm, mùa sớm gieo mạ từ ngày 5 đến 15-6, cấy giữa và cuối tháng 6. Mùa trung: gieo mạ từ ngày 20 đến 25-6, cấy xong trước 20-7. Đối với mùa muộn, các giống phản ứng ánh sáng thời vụ gieo cấy từ nửa đầu tháng 6 đến cuối tháng 7. Lúa gieo thẳng cần được quy hoạch thành vùng, gieo sớm ngay sau khi chuẩn bị được ruộng từ ngày 15 đến 25-6.
Chủ động sản xuất, bảo đảm tưới tiêu
Dù chưa thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng trước áp lực thời tiết và thời gian chuyển vụ, người dân ở nhiều địa phương đã có kế hoạch ứng phó. Bà Nguyễn Thị Dũng, thôn Long Khê, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: Để hạn chế sâu bệnh hại lúa vụ mùa, vụ đông xuân thu hoạch đến đâu chúng tôi sẽ làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng và bón thêm vôi trước khi cày lồng vận rạ. Do thời gian chuyển vụ ngắn, từ bây giờ chúng tôi đã phải lên kế hoạch huy động đủ nhân lực để cấy càng sớm, càng tốt.
Bên cạnh việc cung cấp nguồn giống, bảo đảm gieo, cấy đúng thời vụ, tỉnh Bắc Ninh còn chủ động nguồn nước tưới dưỡng cho diện tích lúa vụ mùa, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hòa cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Đuống phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thiện các hạng mục công trình thủy lợi trọng điểm, tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tu bổ đê kè hoàn thành trước vụ mùa. Đồng thời, có kế hoạch bảo đảm đủ nguồn nước để nông dân làm đất, gieo cấy lúa mùa kịp thời vụ và tưới dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lúa.
Kết luận hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông 2016 các tỉnh phía bắc” vừa được tổ chức vào cuối tháng 5, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong điều kiện hiện tại, để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa vụ mùa, các địa phương cần sớm rà soát, gắn kế hoạch gieo cấy với bố trí cơ cấu giống, thời vụ một cách hợp lý. Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng, giống có khả năng kháng chịu sâu, bệnh, nhất là đối với rầy, bệnh bạc lá. Giữ nước sau thu hoạch, tránh để mất nấm, cày lật đất vùi rơm, rạ, kết hợp khuyến cáo xử lý các chế phẩm phân giải tàn dư thực vật như Tricoderma…, chế phẩm vi sinh đa chủng, đa chức năng để nhanh làm mục nát rơm rạ, tránh ngộ độc cho lúa mùa sau cấy. Đối với những diện tích không chủ động tưới tiêu, gieo cấy lúa kém hiệu quả, các địa phương cần chủ động chuyển đổi sang trồng các loại rau màu khác có hiệu quả cao hơn.