Để nâng cao năng suất, chất lượng quả na, một trong những sản phẩm thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, người dân xã La Hiên (Võ Nhai) đã tiến hành thụ phấn hoa cho na thay vì việc phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nhờ đó hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này đã tăng lên rõ rệt. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm na sạch Võ Nhai đã và đang được cơ quan chức năng của huyện và người trồng na trên địa bàn chú trọng thực hiện.
Chúng tôi có mặt tại xã La Hiên (vùng trồng na lớn nhất của huyện Võ Nhai) vào một ngày đầu tháng 6. Đây là thời điểm cây na ra hoa nên trên những triền đồi và ngoài vườn, bà con đang tấp nập tiến hành thụ phấn cho hoa. Bà Đoàn Thị Hường, ở xóm Hiên Bình chia sẻ: Gần 10 năm nay, người dân trong xã đã thực hiện việc thụ phấn hoa cho na (thay cho cách thụ phấn tự nhiên trước đây) và chăm bón đủ các loại phân hữu cơ, vô cơ, nhờ đó năng suất, chất lượng quả na cao hơn. Thời gian thụ phấn hoa chỉ diễn ra trong vòng gần 1 tháng, nhưng đây là thời điểm quyết định tới năng suất na. Nếu như trước kia năng suất loại quả này chỉ đạt khoảng 100 tạ/ha thì hiện nay, một phần nhờ việc người dân tham gia vào quá trình thụ phấn ở thời điểm na ra hoa nên năng suất đã tăng lên 140-160 tạ/ha.
Cùng với việc thụ phấn cho hoa na, người dân đã có ý thức sản xuất, xây dựng thương hiệu na sạch. Mặc dù chưa có quy trình bảo quản sản phẩm bằng công nghệ cao khiến khi thu hoạch tỷ lệ na hỏng khoảng 5%, nhưng phần lớn các hộ dân ở xã La Hiên không vì lợi nhuận trước mắt mà dùng hóa chất để bảo quản sản phẩm này. Ông Trần Văn Tuyến, ở xóm Hiên Minh cho biết: Để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi phải tuân thủ các quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch na theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (1 tháng trước khi quả na được thu hoạch, người dân phải dừng phun thuốc trừ sâu, không được dùng thuốc kích thích để tăng trọng lượng quả…). Năm 2015, xóm Hiên Minh đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP nên việc tiêu thụ na được thuận lợi hơn, giá bán cũng cao hơn. Vụ na trước, thương lái từ xa đến mua na xanh tại vườn với giá cao gần bằng na chín nhưng chúng tôi không bán, bởi có thông tin cho rằng thương lái mua na xanh về thường dùng thuốc kích thích để quả na nhanh chín, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm na ở xã La Hiên.
Hiện tại, diện tích cây ăn quả ở huyện Võ Nhai trên 1.000ha, gồm nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như cam Vinh, bưởi Diễn, Thanh long… Trong đó, cây na chiếm 40% diện tích (tập trung chủ yếu ở xã La Hiên). Mặc dù yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cây na đòi hỏi cao hơn so với các loại cây ăn quả khác nhưng bù lại giá trị kinh tế vượt trội (năng suất trung bình đạt 140 - 160 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, đạt 400 - 460 triệu đồng/ha) nên ngày càng thu hút được nhiều người trồng. Nhiều gia đình trồng na ở huyện vùng cao này không những đã thoát nghèo mà trở thành hộ khá giả. Để vụ na năm 2016 có năng suất, chất lượng cao, mẫu mã quả đẹp, đội ngũ cán bộ khuyến nông của huyện Võ Nhai đã và đang giúp đỡ các chủ vườn về kỹ thuật chăm bón, cắt tỉa quả lép, phòng trừ sâu bệnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Hiện nay, xã La Hiên có 2 xóm là Hiên Minh và Hiên Bình được cấp Giấy chứng nhận VietGAP để quảng bá thương hiệu sản phẩm na La Hiên ra thị trường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch giúp người dân trồng na ở các xóm, xã khác để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm na an toàn. Với khả năng mở rộng diện tích na trên toàn huyện lên gần 900ha nên thời gian tới, huyện sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ… Ngoài ra, huyện đang tìm hiểu các phương thức vận chuyển sản phẩm từ vườn ra đến quốc lộ như ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) để áp dụng tại những khu vực khó khăn, giúp người trồng na vận chuyển sản phẩm thuận tiện, an toàn…
Có thể thấy, trong những năm gần đây, người dân trên địa bàn Võ Nhai đã dần thay những cây trồng truyền thống (ngô, sắn, lúa) bằng cây ăn quả có giá trị kinh tế, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho sản phẩm na nói riêng, cây ăn quả ở Võ Nhai vẫn chưa ổn định (một phần nguyên nhân do chưa có thương hiệu nên nhiều người tiêu dùng chưa biết đến). Vì vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm xây dựng thương hiệu, chủ động tìm kiếm thị trường để sản phẩm cây ăn quả của người dân được tiêu thụ ổn định.