Nâng cao hiệu quả trong phòng vệ thương mại

09:19, 03/06/2016

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp”.

Số liệu điều tra công bố tại hội nghị cho thấy, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá. So với 311 vụ tự vệ, 4757 vụ chống bán phá giá, 380 vụ chống trợ cấp trên toàn thế giới thì Việt Nam đã sử dụng rất ít công cụ phòng vệ thương mại này.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng khẳng định, pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập lại trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa tuy nhiên vẫn còn khá chậm.

 

Theo ông Nguyễn Phương Nam, trong hoàn cảnh hàng rào phi thuế quan đang được các quốc gia dựng lên để bảo vệ cho quyền lợi của mình và nền sản xuất trong nước, ba công cụ phòng vệ thương mại là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đang được áp dụng phổ biến. Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước cần lưu ý để tận dụng tối đa và sử dụng linh hoạt ba công cụ này.

 

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra-Cục Quản lý Cạnh tranh cũng nhận định công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà.

 

Để nâng cao hiệu lực biện pháp phòng vệ thương mại, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, ngoài việc Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về pháp lý và nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời thì cần sự chủ động của chính doanh nghiệp.

 

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài trong tiến trình hội nhập quốc tế đã ngày càng khăng khít hơn, thậm chí nhiều trường hợp đã thực sự hòa quyện với nhau. Một khi Hiệp định TPP có hiệu lực từ năm 2018, giá trị vốn đầu tư của nước ngoài dự kiến tăng 25-35%/năm và quan hệ doanh nghiệp nội – ngoại càng khăng khít, rất khó phân biệt. Trong trường hợp này, nhà nhập khẩu rất dễ nấp dưới hình thức nhập nguyên liệu, thậm chí chuyển toàn bộ quá trình sản xuất vào Việt Nam để gia công và bán hàng hóa đó trên thị trường nhằm trốn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam. Đây là tình huống cần phải đặc biệt lưu ý để tránh lúng túng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt các nhà xuất khẩu, đồng thời là nhập khẩu có thể vận dụng trường hợp ngoại trừ bởi họ dễ dàng chứng minh được sự liên kết của mình với các nhà sản xuất trong nước.

 

Ngoài ra, với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của luật đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế xuất nhập khẩu, luật hải quan. Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam – ông Thắng chia sẻ./.