Thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, cộng với ý chí và nghị lực, chị Nguyễn Thị Chúc, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Đồi Thông, xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã vươn lên trở thành chủ của một xưởng chế biến gỗ lớn trong vùng, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Bên chén trà, chị Chúc kể cho chúng tôi câu chuyện khởi nghiệp của mình: Trước kia, gia đình tôi làm nông nghiệp, quanh năm chỉ gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, công việc nhà nông vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao nên tôi luôn trăn trở tìm hướng làm giàu. Lúc bấy giờ, ở huyện đã có một số xưởng bóc gỗ quy mô nhỏ trong khi lượng gỗ ở một số xã trong huyện tương đối dồi dào nên sau nhiều ngày suy nghĩ tôi đã bàn với chồng quyết định mở xưởng sản xuất gỗ bóc vào năm 2011. Vẫn biết sẽ là bước đi mạo hiểm khi phải đầu tư hàng trăm triệu đồng xây nhà xưởng, mua máy móc nhưng tôi nghĩ, nếu quyết tâm và cố gắng thì sẽ thành công.
Trước khi bắt đầu lập xưởng sản xuất, vợ chồng chị đã đến một số xưởng bóc gỗ ở huyện Phú Bình và trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và tự học hỏi kiến thức sản xuất, kinh doanh thông qua tài liệu, sách báo. Từ số tiền tích được cộng với vốn vay Ngân hàng Chính sách – Xã hội và người thân, anh chị đã đầu tư trên 600 triệu đồng để mua máy móc, kéo đường dây điện mở xưởng sản xuất gỗ bóc. Đầu tư lớn nhưng trong giai đoạn đầu thành lập xưởng, anh chị gặp không ít khó khăn. Nhắc lại những ngày bôn ba khắp nơi đi tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Chúc chia sẻ: Vợ chồng tôi phải chia nhau ra đi khắp các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Nội… để tìm nơi bán hàng. Có những chuyến đi kéo dài hàng tuần trời nhưng không có kết quả.
Sau bao cố gắng tìm kiếm, liên hệ, cuối cùng anh chị đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nội thất tại Hà Nội. Có đầu ra ổn định, chị Chúc lại bàn với chồng tiếp tục mở rộng sản xuất. Năm 2013, gia đình chị đầu tư gần 2 tỷ đồng mua máy xẻ, dây chuyền sản xuất gỗ ép tự động… và thuê đất mở thêm xưởng xẻ, xưởng sản xuất gỗ ép. Với giàn máy móc hiện đại, trung bình mỗi tháng, gia đình chị chế biến khoảng 210-240m3 gỗ ép. Nguồn gỗ bóc của gia đình không đủ, chị còn nhập thêm gỗ từ các xưởng sản xuất gỗ bóc khác trong vùng, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gỗ bóc của các cơ sở này.
Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình chị Chúc đang cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ tạo thu nhập cao cho gia đình, xưởng sản xuất của anh chị còn đang tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không những vậy, trong quá trình sản xuất, chị Chúc đặc biệt coi trọng khâu an toàn lao động. Chị luôn nhắc nhở công nhân chú ý đảm bảo an toàn trong lao động, nhờ vậy, xưởng sản xuất của gia đình chị chưa từng xảy ra tai nạn lao động.
Bên cạnh việc không ngừng đẩy mạnh quy mô sản xuất, kinh doanh, chị Chúc còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Từ năm 2000-2010, chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đồi Thông. Hiện nay, tuy đã thôi giữ vai trò Chi hội trưởng, nhưng chị Chúc vẫn tích cực tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, văn nghệ của Hội phụ nữ. Ngoài ra, chị luôn tích cực tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế hàng năm.
Nhận xét về chị Chúc, chị Trương Thị Nụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Ninh cho biết: Không những tích cực phát triển kinh tế gia đình, chị Chúc còn rất năng nổ trong các hoạt động công tác Hội Phụ nữ và giúp đỡ các chị em khác phát triển kinh tế. Chị là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ tại địa phương.