Người tiêu dùng yên tâm khi ăn măng nứa

17:40, 16/06/2016

Hiện đang là thời điểm chính vụ măng nứa rừng nhưng sản phẩm này lại rơi vào cảnh ế ẩm do thông tin nhiều mẫu măng phát hiện chất vàng ô gây ung thư ở các địa phương khác. Dù chưa có bất kỳ một mẫu măng nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện chất vàng ô, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn e ngại với loại thực phẩm này.

Vàng ô (auramine O) là chất nhuộm màu công nghiệp. Chất này bị cấm dùng trong thực phẩm vì gây dị ứng cho mắt, độc hại khi tiếp xúc với da, dị ứng da, dị ứng hệ hô hấp. Vàng ô đã được cảnh báo trong một số nghiên cứu vì có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương. Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.    

Theo ghi nhận của chúng tôi vào một buổi sáng cuối tuần, hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp tại chợ đầu mối Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Tuy nhiên, tại những sạp hàng bày bán măng khá vắng người. Ngồi đọc báo trong lúc vắng khách, chị Trịnh Thị Hà, một tiểu thương bán măng than thở: Từ sáng đến giờ tôi mới bán được 2kg măng. Nếu như mọi năm, mỗi ngày, tôi bán ra từ 70 - 100kg măng thì hiện nay, ngày cao nhất cũng chỉ bán được 20-30kg. Ngồi cạnh quầy hàng của chị Hà, chị Lê Bích Hợp buồn rầu: Vụ măng nứa bắt đầu từ khoảng tháng 5 đến hết tháng 9 Âm lịch. Những năm khác, vào thời điểm này, giá măng dao động trong khoảng từ 20.000-25.000 đồng/kg, nhưng, năm nay, dù giá chỉ có 15.000-17.000 đồng/kg thì người mua cũng thưa thớt vì lo ngại măng có chứa chất vàng ô.

 

Tại những gian hàng bán rau, củ, quả tại tầng hầm chợ Thái (T.P Thái Nguyên), tình hình tiêu thụ măng cũng không khả quan hơn. Chị Trần Thị Mai, một tiểu thương ở đây cho biết: Thông tin măng tươi chứa chất vàng ô gây ung thư tại Đà Nẵng, Nghệ An rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây khiến việc bán hàng của tôi bị ảnh hưởng trầm trọng. Lượng măng bán ra chỉ bằng khoảng 30% so với mọi năm, các đầu mối nhỏ do không bán được hàng nên cũng không lấy măng của chúng tôi nữa.
 Khi chúng tôi đặt câu hỏi cho một vị khách mua hàng về lí do không mua măng thì nhận được câu trả lời: Thông tin trên mạng nói chất vàng ô rất nguy hiểm, có thể gây ra bệnh ung thư nên dù rất thích nhưng gia đình tôi đã loại hoàn toàn món ăn này khỏi thực đơn hàng ngày. Một người khác cho rằng: Dù người bán hàng có cam kết măng không nhuộm hoá chất cũng như chỉ cách phân biệt măng sạch nhưng tôi vẫn không yên tâm.

 

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ khác trên địa bàn tỉnh như: Phú Thái, Đồng Quang, Dốc Hanh… sản phẩm măng bị người tiêu dùng khá thờ ơ. Tìm đến một đại lý chuyên mua bán sản phẩm măng, chúng tôi nhận được câu trả lời từ chị Nguyễn Thị Lan, chủ đại lý về nguồn gốc của măng. Chị Lan bảo: Măng chúng tôi bán ra thị trường được mua trực tiếp từ bà con ở các xã Cúc Đường, Sảng Mộc, Thượng Nung, Vũ Chấn của huyện Võ Nhai. Bà con dân tộc không biết dùng hoá chất, măng luộc xong chỉ thêm muối để bảo quản được lâu. Việc sức tiêu thụ và giá cả măng giảm khiến sản phẩm tồn đọng, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Đứng cạnh chị Lan lúc này, anh Triệu Văn Sanh, người dân xóm Bản Cái, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) lo lắng: Mọi năm, nhờ việc hái măng rừng, gia đình tôi kiếm được khoảng 150.000 - 200.000 đồng mỗi ngày, nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân miền núi. Nhưng năm nay, đi lấy măng, bóc vỏ, luộc măng cả ngày mà thương lái cũng chỉ mua với giá rất rẻ, lại không mua nhiều nên tôi phải xuống tận đây để tìm hiểu thực tế. Thấy măng ế ẩm như thế này tôi lo quá.

 

Trao đổi với chúng tôi về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm măng, ông Ngô Văn Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm và thuỷ sản tỉnh cho biết: Ngay sau khi có thông tin phát hiện chất vàng ô trong một số mẫu măng và dưa chua ở một vài địa phương trong cả nước, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra, trinh sát ở các cơ sở kinh doanh 2 loại thực phẩm này. Qua quá trình trinh sát, lực lượng chức năng chưa phát hiện dấu hiệu ngâm, tẩm hoá chất trong các sản phẩm măng, dưa chua được bày bán. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tích cực kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm. Thông tin về các sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những sản phẩm khác, bà con vẫn có thể yên tâm sử dụng, không nên quá lo lắng trước những tin đồn.

 

Như vậy, theo khẳng định của cơ quan chức năng, sản phẩm măng vẫn an toàn đối với người sử dụng. Tuy nhiên, lo lắng của người tiêu dùng cũng hoàn toàn hợp lý trước nguy cơ sức khoẻ và tính mạng của gia đình họ bị ảnh hưởng. Vì vậy, thiết nghĩ, trước những nguồn thông tin trái chiều khác nhau về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan chức năng cần nhanh chóng nắm bắt, xác minh và thông báo tình hình trên địa bàn đến người dân để cả người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh tránh được những rủi ro không đáng có.