Rừng Khuôn Mánh bị đốn hạ: Lúng túng trong khâu quản lý

09:26, 04/06/2016

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, gần 7ha rừng bao quanh Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã bị một số cá nhân chặt phá trơ trụi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường của khu Di tích. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý có sự chồng chéo giữa các ngành và địa phương…

Cuối tháng 12-2015, chúng tôi đến Khu Di tích lịch sử rừng Muôn Mánh, những cánh rừng quanh khu di tích được phủ lên màu xanh của cây cối (có những cây to, tán rộng che mát cả khu vực sảnh của di tích). Nhưng nay, nơi đây chỉ còn trơ những gốc cây bị đốt cháy đen, quanh khu tháp đài của di tích chỉ còn lại vài cây keo. Theo một số người dân địa phương, tình trạng khai thác rừng bao quanh Khu di tích lịch sử nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân 2 xảy ra từ đầu tháng 1-2016. Thời gian đầu các hộ có rừng trồng ở khu vực lân cận với di tích được cấp phép khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng theo quy định. Nhân cơ hội này, nhiều đối tượng đã khai thác trộm cây trong khu vực quy hoạch Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân 2...

 

Rừng Khuôn Mánh là nơi Trung đội Cứu Quốc quân 2 (một trong những đội tiền thân của Quân đội Nhân dân Viêt Nam) thành lập tháng 9-1941. Năm 1994, Bộ Văn hóa Thông tin (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ngày nay) đã có quyết định công nhận đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó, khu di tích được đầu tư xây dựng với các hạng mục, như: Tháp đài, bia ghi tên những chiến sĩ trong Trung đội Cứu quốc quân 2. Để bảo vệ các hạng mục và cảnh quan tại Khu di tích, năm 2013, xã Tràng Xá đã thuê 1 người dân địa phương trông coi, tới năm 2015, UBND huyện Võ Nhai ký hợp đồng lao động với người trông coi trên (mức hỗ trợ là mức lương cơ bản) để bảo vệ và quản lý khu di tích. Tuy vậy, rừng quanh khu di tích vẫn bị khai thác… Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá cho biết: Để xảy ra sự việc, với góc độ quản lý Nhà nước thì chính quyền địa phương có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, công tác quản lý của địa phương gặp nhiều khó khăn do chúng tôi chưa có bản đồ cụ thể, mốc giới rõ ràng của khu di tích…

 

Hiện tại, chính quyền đã lập biên bản hiện trạng và báo cáo với huyện. Tuy nhiên, người dân nào chặt thì chúng tôi chưa tìm ra… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, diện tích Khu Di tích thuộc Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai quản lý và Công ty đã ký hợp đồng trồng rừng theo Dự án 661 với một số hộ dân địa phương. Sau khi Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai chuyển đổi mô hình, các hộ dân trồng rừng theo Dự án 661 đã khai thác. Trong khi đó, chính quyền không tiến hành thu hồi đất của Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai nên những hộ dân này tiếp tục trồng rừng sản xuất. Khoảng 5 năm trước, UBND huyện Võ Nhai có văn bản giao lại gần 7ha rừng tại khu di tích cho chính quyền xã Tràng Xá quản lý. Tuy nhiên, diện tích này chưa có quy hoạch cắm mốc giới rõ ràng… Khi sự việc xảy ra, các cơ quan có liên quan đã kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ liên quan thì trong gần 7ha mà huyện giao thì chỉ có 1,7ha của di tích là khu cấm các hành vi xâm phạm (mốc giới được tính là khoảng cách từ tháp đài ra xung quanh 25m nhưng chưa có cột mốc giới)… Hiện nay, toàn bộ khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh gần 7ha vẫn chưa có quy hoạch chi tiết cụ thể. Ngay cả, 1,7ha thuộc khu vực tháp đài của di tích cũng chưa được cắm mốc giới. Ngoài ra, khu di tích còn có các hạng mục, như: bậc lên từ chân đồi và lán nghỉ nằm ngoài khu tháp đài (diện tích 1,7 ha) cũng chưa có quy hoạch và quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân đang sử dụng nên việc quản lý của ngành chức năng đối với hạng mục trên rất khó. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ có sự chồng chéo, như: Ngành Văn hóa quản lý các hạng mục công trình, chính quyền địa phương quản lý chung, diện tích đất lại thuộc Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai…

 

Đây không phải lần đầu tiên rừng quanh Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia bị người dân chặt phá. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, mỹ quan của khu di tích. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên cần phải sớm được giải quyết.