Tăng cường quản lý bảo đảm an toàn hồ đập

18:29, 17/06/2016

Toàn tỉnh hiện có 1.269 công trình thuỷ lợi, trong đó có 249 hồ chứa, 37 đập dâng, 267 trạm bơm tưới và 1 trạm bơm tiêu úng. Ngoài nhiệm vụ tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, việc đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão cũng đang được các đơn vị và ngành chức năng chú trọng thực hiện.

Hồ Núi Cốc là 1 trong 6 hồ chứa thủy lợi trọng điểm cấp Quốc gia, có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 12.000ha lúa, rau màu và các cây trồng khác; cấp nước bổ sung cho hệ thống sông Cầu tỉnh Bắc Giang, cấp nước cho Nhà máy Nước sạch Tích Lương, Yên Bình. Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Phương Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Thái nguyên, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý hồ cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình, phòng chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại cho vùng thượng và hạ du, tích nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác thì việc vận hành điều tiết mực nước hồ được Công ty đặc biệt quan tâm.

 

Theo Quy trình điều tiết hồ, tính đến thời điểm ngày 1-9, mực nước tích trong hồ phải đạt đến cao trình +46,2m, dung tích đạt 175 triệu m3 thì mới đảm bảo đủ nước cấp cho vụ mùa 2016 và vụ đông xuân 2016-2017. Tuy nhiên, khi tích đủ nước ở cao trình +46,2m mà xuất hiện lũ lớn, mực nước có thể lên đến cao trình +48,25m và vùng lòng hồ từ cao trình +46,2m đến +48,25m là vùng phòng lũ đây là vùng thường bị ngập trong mùa mưa lũ (quy trình vận hành cho phép). Ngoài ra, có thể xuất hiện lũ vượt tần suất thiết kế khi đó mực nước có thể vượt quá cao trình +48,25m. Vì vậy, trước mùa mưa bão 2016, Công ty đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị các địa phương: huyện Đại Từ, T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên chỉ đạo UBND các xã, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong khu vực lòng hồ Núi Cốc, khu ven sông Công không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, gieo cấy và các hoạt động khác trong lòng hồ và vùng bán ngập hồ Núi Cốc từ cao trình +46,2m đến +48,25m và hành lang thoát lũ hai bên bờ sông Công.

 

Còn anh Đỗ Huy Hoàng, Cụm trưởng Cụm quản lý đầu mối hồ Núi Cốc cho biết: Việc quan trắc, theo dõi mực nước hồ Núi Cốc và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập được chúng tôi thực hiện hằng ngày. Cùng với đó, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra, tu bổ hệ thống kênh để đảm bảo kịp thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và xả lũ. Trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan thì công tác theo dõi diễn biến thời tiết và có các phương án chủ động xử lý, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du là nhiệm vụ quan trọng được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

 

Ngoài hồ Núi Cốc, trên địa bàn tỉnh còn có một số hồ chứa nước lớn như: Gò Miếu, Phượng Hoàng (Đại Từ), Bảo Linh (Định Hóa),  Quán Chẽ (Võ Nhai), Ghềnh Chè (T.P Sông Công), hồ Nước Hai (T.X Phổ Yên)... Trước mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình các công trình, dự toán, kiểm kê vật tư, vật liệu, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, triển khai mua sắm các loại vật tư và tổ chức thi công những hạng mục được phê duyệt. Kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng, bảo đảm công trình vận hành an toàn phục vụ công tác phòng chống lụt bão, sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Chị Đào Thu Phương, Phó trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi huyện Đại Từ cho hay: Toàn huyện hiện có 7 hồ chứa lớn. Hiện nay, các hồ đều đạt từ 70-80% dung tích thiết kế. Một số hồ như Gò Miếu, xã Ký Phú và hồ Phú Xuyên, xã Phú Xuyên đang xả tràn để đón lũ. Trước mùa mưa bão, chúng tôi chủ động kiểm tra, rà soát hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa các hạng mục của công trình có nguy cơ mất an toàn; đồng thời, chuẩn bị dự phòng phương tiện, vật tư, lực lượng phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Vào những ngày có bão, chúng tôi chỉ đạo trực 24/24h nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vị trí hư hỏng sẵn sàng ứng phó khi có lũ xảy ra và phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm theo dõi, bảo vệ từng hạng mục công trình quan trọng.

 

Theo Anh Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Vấn đề quan trọng đặt ra đối với sự an toàn các hồ đập, hồ chứa trong mùa mưa bão là các đơn vị quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là tuân thủ các quy trình về kỹ thuật, con người trong quá trình vận hành, đảm bảo chính xác, linh động khi tiến hành tích nước hay xả lũ. Vì thế, ở các hồ chứa lớn, năm nay Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thông báo chi tiết cụ thể, đồng thời phê duyệt các phương án phòng, chống lụt bão của từng đơn vị, địa phương; đồng thời thông báo số máy nóng để liên hệ khi có mưa bão xảy ra.