Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm sản

09:18, 08/06/2016

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm toàn tỉnh khai thác được khoảng 350 nghìn mét khối gỗ các loại; thu hoạch trên 200 nghìn tấn chè búp tươi, 430 nghìn tấn lương thực và hàng trăm nghìn tấn hoa quả các loại (vải, nhãn…). Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, ngành công nghiệp này trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 160 doanh nghiệp (DN) và 9.000 hộ cá thể đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, giải quyết việc làm cho khoảng 17 nghìn lao động địa phương. Trong đó, lĩnh vực chế biến chè phát triển mạnh nhất với 34 DN tham gia. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, các DN sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã chú trọng đầu tư dây chuyền chế biến có công nghệ hiện đại; quan tâm phát triển thương hiệu cũng như chất lượng, mẫu mã sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tiên phong trong việc đầu tư dây chuyền chế biến chè với công nghệ tiên tiến phải kể đến các DN, hợp tác xã (HTX) như: Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình (T.P Thái Nguyên), Công ty CP Chè Vạn Tài, Nhà máy chè Bắc Sơn (T.X Phổ Yên), Công ty CP chè Sông Cầu (Đồng Hỷ), Nhà máy chè Đại Từ, Nhà máy chè ATK của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, HTX chè La Bằng (Đại Từ), HTX chè an toàn Nguyên Việt ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ), HTX chè Tân Hương ở xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên)… Tuy nhiên, năm 2015, sản lượng chè chế biến công nghiệp trong toàn tỉnh mới đạt khoảng 20% tổng sản lượng, số còn lại vẫn chế biến thủ công theo quy mô hộ gia đình.

 

Cùng với chế biến chè, chế biến gỗ cũng phát triển hơn giai đoạn 2005-2010 khi 5 năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất gỗ ván bóc, băm, dăm, mảnh quy mô nhỏ ở các địa phương như Phú Lương, Định Hoá… đã ra đời phục vụ cho việc sơ chế gỗ keo, chủ yếu bán cho thương nhân để xuất sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân là do giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta có diện tích rừng trồng keo đến kỳ thu hoạch khá lớn.

 

Trong số các cơ sở sản xuất gỗ nêu trên, cũng có một số DN đã mạnh dạn đầu tư được dây chuyền ép ván bóc thành gỗ ván ép làm nguyên liệu để đóng bàn ghế, giường tủ xuất khẩu theo hình thức ủy thác như HTX dịch vụ vận tải Chuyên Đức (xóm Đoàn Kết, xã Trung Hội, Định Hoá), DN tư nhân Thiên Sinh (xã Phượng Tiến, Định Hoá)... Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ không ổn định nên rất khó để duy trì các cơ sở chế biến gỗ này phát triển một cách bền vững. Cũng theo ông Dũng, ngoài hai lĩnh vực chế biến nông, lâm sản nêu trên thì các sản phẩm nông sản của tỉnh như lúa, các loại hoa quả vẫn chưa được quan tâm chế biến. Do đó, hiệu quả kinh tế thu được từ nhiều mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh chưa cao.

 

Có thể thấy, nhiều năm nay, các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để các DN, HTX và hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản dưới nhiều hình thức như: tạo điều kiện được vay vốn của ngân hàng với lãi suất ưu đãi; có cơ chế hỗ trợ người dân mua các loại máy móc phục vụ cho việc chế biến nông, lâm sản; có chính sách cho thuê đất để các DN đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến nông, lâm sản. Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng (Đại Từ) cho biết: Chúng tôi đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi khi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua các loại máy móc chế biến chè.

 

Dù vậy, công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều nhà máy chế biến chè trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nguyên liệu đầu vào nên hoạt động cầm chừng, nhất là vào thời điểm vụ đông. Nhiều vùng nguyên liệu phát triển theo hướng tự phát, không tuân theo quy hoạch; người dân sản xuất theo kinh nghiệm nên không đảm bảo được yêu cầu chất lượng của nguyên liệu đầu vào dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng không cao, sức cạnh tranh trên thị trường yếu...

 

Để công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trước mắt, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, tỉnh nên khuyến khích các DN tập trung phát triển mạnh năng lực chế biến bằng cách mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, khuyến khích các DN chế biến chè đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại; có chính sách thu hút DN đầu tư các dự án chế biến hoa quả, rượu, bia... Đặc biệt, tỉnh nên tạo điều kiện duy trì hoạt động hiệu quả của các cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn đã có trên địa bàn; khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván nhân tạo, các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ rừng trồng, tận dụng phế, phụ phẩm trong chế biến để sản xuất viên nén làm chất đốt… Bên cạnh đó là thực hiện đầy đủ các chính sách thu hút các DN đầu tư vào chế biến nông, lâm sản dưới nhiều hình thức; nghiên cứu, lựa chọn, tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản…