Toàn tỉnh hiện có trên 4.400ha vải thiều. Thời điểm này, ở các vùng vải lớn của tỉnh như Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa… vải đã bắt đầu chín rộ. Theo nhận định của nhiều hộ trồng vải trong tỉnh, năm nay, vải thiều chín muộn và năng suất thấp hơn khoảng 20-30% so với mọi năm, chỉ đạt khoảng 25 đến 26 tạ/ha.
Chị Nguyễn Thị Hiên, một hộ dân trồng vải ở xóm Hữu Nghị, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cho biết: Năm nay, thời tiết không thuận lợi cho cây vải sinh trưởng, phát triển, đơm hoa, kết trái. Từ đầu tháng 1 trở đi có nhiều ngày rét đậm, rét hại kèm theo mưa lớn đã ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4, trời liên tục mưa phùn, nồm nhiều ngày không có nắng, độ ẩm cao nên ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả đã khiến cho thời vụ năm 2016 muộn hơn so với mọi năm từ 10-20 ngày.
Mặc dù vụ vải thiều năm nay mất mùa nhưng giá bán ra lại cao hơn so với năm ngoái rất nhiều. Hiện tại, giá bán vải quả dao động từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, cao hơn thời điểm này năm ngoái khoảng 10 nghìn đồng/kg. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, nhiều tư thương đã tìm đến tận các gia đình trồng vải để đặt mua hàng. Tuy nhiên, do sản lượng vải ít nên không xảy ra tình trạng ép giá người dân. Anh Lê Thế Trung, hộ dân trồng vải ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) nói: Lượng vải thu được không nhiều nên nếu tư thương trả giá rẻ quá, chúng tôi sẽ trực tiếp mang ra chợ bán. Tuy mất thêm công vận chuyển nhưng nếu bán “tận ngọn”, giá bán vải chắc chắn vẫn cao hơn bán cho tư thương.
Khảo sát tại các điểm chợ như Túc Duyên, Thái (T.P Thái Nguyên); Chùa Hang (Đồng Hỷ); Đu (Phú Lương)… chúng tôi thấy vải được bày bán rất nhiều và lượng người mua cũng rất lớn. Theo chị Hứa Thị Minh, một người kinh doanh vải tại chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên): Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang cạnh tranh rất mạnh với vải thiều của Thái Nguyên. Với hình thức đẹp, bắt mắt, vải thiều Lục Ngạn có giá bán cao hơn. Còn vải thiều Thái Nguyên, do người trồng vải không đầu tư chăm bón nên quả nhỏ hơn, giá bán lẻ thấp hơn khoảng 5 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lo ngại vải thiều Lục Ngạn sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để giúp quả đậu sai, phòng trừ sâu bệnh hại khi quả sắp chín, không bảo đảm an toàn thực phẩm nên vẫn tìm mua vải thiều của Thái Nguyên. Chị Nguyễn Thị Hồng, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Vải thiều Lục Ngạn mười quả như mười, căng mọng và không thấy sâu ở cuống quả. Vải thiều Thái Nguyên không đều quả, có những quả xuất hiện sâu ở cuống, nhưng tôi vẫn thích ăn loại vải này vì thấy yên tâm hơn.
Theo số liệu ngành Nông nghiệp cung cấp, hiện nay, Thái Nguyên có trên 4.400ha vải, trong đó có hơn 2.700ha vải dưới 15 năm tuổi, số còn lại được trồng từ 20 năm trước. Giống vải bà con trồng chủ yếu là giống vải Thanh Hà. Những năm trở lại đây, giá bán vải thiều không ổn định nên các hộ dân trong tỉnh không mở rộng diện tích vải thiều. Thậm chí, nhiều hộ đã chặt bỏ vải thiều để trồng thay thế vào đó các loại quả khác có đầu ra thuận lợi hơn như nhãn, na, ổi… Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT) nhận định: Nếu được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng vải thiều của Thái Nguyên không thua kém gì vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá cả vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng cao, trong khi giá bán vải quả lại thất thường, có năm xuống rất thấp, người trồng vải bị thất thu nên bà con không còn mặn mà với cây vải nữa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi vải được thu hoạch phải mất từ 4 đến 5 năm. Với những cây vải có tuổi đời trên 10 năm, khi được chăm bón thường xuyên, đúng quy trình kỹ thuật, sản lượng và chất lượng quả thường rất ổn định. Ở nhiều nơi, vải đang được trồng trên những vùng đồi cằn cỗi góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc hoặc trồng xen kẽ với cây chè, tạo bóng mát… Do đó, để tránh lãng phí tiền của, công sức của người dân, các cấp, ngành chức năng cần khuyến khích người dân duy trì diện tích vải hiện có.
Trước mắt, để nâng cao hiệu quả cây vải, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh, cải tạo giống vải để kéo dài thời vụ thu hoạch. Theo đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển vùng vải tập trung theo hướng thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; khuyến khích nông dân chuyển đổi giống, đưa vải chín sớm vào trồng, sản xuất và canh tác vải theo quy trình VietGAP. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề chế biến, tiêu thụ sản phẩm…