Chú trọng công tác phát triển làng nghề

08:01, 05/07/2016

Phú Lương là huyện có số làng nghề đứng thứ hai trên địa bàn tỉnh với 29 làng nghề, trong đó có 27 làng nghề chè, 1 làng nghề mây tre đan và 1 làng nghề bánh chưng. Những năm qua, cùng với việc giúp các địa phương có nghề được công nhận làng nghề, chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Huyện Phú Lương hiện có trên 4.300ha chè (chiếm hơn 1/4 tổng diện tích chè toàn tỉnh), năng suất bình quân đạt 85 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 35 nghìn tấn mỗi năm. Những năm gần đây, chè được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế cho người dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền của huyện luôn quan tâm đến việc phát triển cây chè, trong đó chú trọng đến công tác phát triển làng nghề. Đến nay, toàn huyện có 29 làng nghề (tăng 28 làng nghề so với năm 2008), tập trung ở các xã như: Tức Tranh, Vô Tranh, Phấn Mễ, Cổ Lũng, Yên Lạc, Phú Đô. Các làng nghề này đang giải quyết việc làm cho hơn 5.200 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân gần 3,4 triệu đồng/người/tháng.

 

Làng nghề trồng và chế biến chè xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh là một trong những làng nghề được công nhận đầu tiên của huyện Phú Lương. Những năm qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề, huyện Phú Lương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chế biến và sản xuất chè, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng, sản xuất và chế biến chè cho người dân, như: Mô hình tưới chè bằng van xoay; sử dụng tôn inox xao sấy chè; dùng máy hút chân không đóng gói sản phẩm chè… Hằng năm, từ gần 50ha chè, bà con làng nghề đã xuất ra thị trường khoảng 90 tấn chè búp khô, tổng doanh thu đạt khoảng 14 tỷ đồng. Ông Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, bà con đã tích cực chuyển đổi sang trồng nhiều giống chè cho năng suất, chất lượng cao, thay thế dần cho những diện tích chè trung du già cỗi, kém năng suất. Nay, trong gần 50ha chè đã có gần 50% diện tích là chè cành, với các giống như: TRI 777, Kim Tuyên, LDP1.

 

Cùng với việc rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục giúp các làng có nghề được công nhận làng nghề, huyện Phú Lương còn quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu tập thể các làng nghề. Từ năm 2012 đến 2015, huyện đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp được 3 nhãn hiệu tập thể đối với chè Vô Tranh, Tức Tranh và Bánh chưng Bờ Đậu; cấp 3 nhãn hiệu chứng nhận đối với 6 sản phẩm của Hợp tác xã Công nghiệp và Thương mại Thủy Tiên Thành; nhãn hiệu “Bánh chưng Hải Âu” của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hải Âu; nhãn hiệu “Long An Trà” của Công ty Cổ phần Chè Thác Dài. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Công Thương xây dựng website miễn phí cho 11 làng nghề chè.

 

Bà Nguyễn Thị Nhung, Bí thư Chi bộ, Trưởng Làng nghề trồng và chế biến chè xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh cho biết: Năm 2013, xã Vô Tranh đã vinh dự đón nhận “Nhãn hiệu chè tập thể”. Từ đó đến nay, sản phẩm chè của người dân đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, nhờ đó mà giá bán chè cũng cao hơn so với trước. Nếu như trước đây, chè trung du bán với giá 60-70 nghìn đồng/kg thì nay bình quân đã bán được từ 100-150 nghìn đồng/kg; còn với sản phẩm chè cành, giá bán đã tăng lên từ 200-250 nghìn đồng/kg.

 

Mục tiêu của Phú Lương trong giai đoạn 2016-2020 là sẽ phấn đấu có 40 làng nghề. Trong đó, trong năm 2016, sẽ công nhận thêm 5 làng nghề chè ở các xã Vô Tranh, Tức Tranh và Phú Đô. Bà Phan Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Chất lượng sản phẩm ở các làng nghề trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, đặc biệt là ở các làng nghề trồng và chế biến chè. Đối với làng nghề bánh chưng Bờ Đậu hiện nay sản phẩm đã được người dân ở khắp các tỉnh biết đến. Chỉ riêng Làng nghề Mây tre đan Phú Yên (xã Phấn Mễ) vẫn chưa quảng bá được sản phẩm ra thị trường do mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, chưa theo kịp nhu cầu của người dân. Hơn nữa, hiện nay, nhiều sản phẩm bằng chất liệu khác có mẫu mã đẹp đang chiếm lĩnh thị trường khiến sản phẩm mây tre đan đang bị lép vế. Thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các hồ sơ công nhận các làng nghề theo kế hoạch, chúng tôi cũng sẽ tham mưu với UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ở các làng nghề. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm ở các làng nghề.

 

Để phát triển làng nghề trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm thì việc quảng bá sản phẩm làng nghề là cần thiết. Chính vì thế, các ngành chức năng liên quan, nhất là người dân cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác này, để sản phẩm ở các làng nghề được nhiều người biết đến. Đây cũng là động lực, tạo ra sự cạnh tranh giữa các hộ dân làm nghề nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.