Giữ rừng ở Cù Vân

11:22, 19/07/2016

Với một địa phương nửa đồng, nửa núi như xã Cù Vân (Đại Từ) thì diện tích đất lúa và trồng cây hàng năm chiếm chủ yếu, thế nên khi biết thông tin xã có khoảng 800ha rừng, trong đó hơn 400ha là rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt thì tôi hoàn toàn bất ngờ.

Sau nhiều lần hẹn, tôi có một buổi thực tế tuần rừng hồ Phượng Hoàng cùng các thành viên của tổ bảo vệ rừng xóm 12, xã Cù Vân. Tổ trưởng là bà Nguyễn Thị Thắm nói: Chúng tôi chọn ngày nắng nóng để cho phóng viên đi cùng, tuy có mệt hơn chút nhưng bù lại sẽ ít muỗi và vắt. Nắng nóng cũng dễ phát sinh cháy rừng nên cần tăng cường kiểm tra. Đoàn xuất phát từ chân hồ Phượng Hoàng, ngược dốc rồi đi theo các sống núi Vũng Đa, Bãi Đá, núi Nhọn, Cầu Sâu, Bãi Gỗ rồi qua Khe Hóp. Khu vực này nằm giáp ranh với rừng phòng hộ thuộc xã Hà Thượng, Tân Thái (Đại Từ) và Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) nhưng tôi nhận thấy có sự khác biệt rất lớn. Nếu như phía bên kia chủ yếu là keo mới trồng thì toàn bộ khu vực hồ Phượng Hoàng là rừng tự nhiên, với nhiều cây gỗ lớn có chu vi gốc bằng 2-3 vòng tay người lớn. Bà Thắm cho biết: Tổ chúng tôi có 9 người, phân thành hai nhóm mỗi tuần đi kiểm tra rừng một lần. Để đi hết hơn 200ha rừng được giao quản lý, tổ thường phải đi mất một buổi với hành trình quãng đường khoảng 10km.

 

Ông Hà Văn Dũng, thành viên của tổ bảo vệ rừng xóm 12 kể: Khu vực rừng hồ Phượng Hoàng đã từng bị chặt trắng toàn bộ. Đó là thời điểm năm 1983, khi đời sống của người dân đói kém đã phá rừng để lấy đất trồng ngô và đỗ, lạc. Do mất rừng nên những năm sau đó, hồ Phượng Hoàng gần như cạn kiệt nước vào mùa khô. Nhận thấy tầm quan trọng của rừng, từ năm 1987, Hợp tác xã Nông nghiệp Cù Vân bắt đầu thực hiện việc tái tạo, khoanh nuôi phát triển rừng tại khu vực này. Các tổ chuyên trách tại xóm được thành lập với nhiệm vụ trông coi, bảo vệ rừng. Hợp tác xã trích nguồn quỹ chung bằng thóc để trả thù lao cho tổ. Mấy năm trở lại đây, khi khu vực rừng hồ Phượng Hoàng được thiết kế là rừng phòng hộ (với diện tích khoảng 220ha) thì tổ bảo vệ rừng được nhận thù lao trông coi của Nhà nước với định mức là 200 nghìn đồng/ha/năm.

 

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp xã Cù Vân cho biết: Ngoài tổ bảo vệ rừng xóm 12, xã còn thành lập các tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng ở các xóm 1, 3, 10, 12, 13 (những nơi có rừng), mỗi tổ gồm 9 thành viên. Đồng thời xác định 2 khu vực rừng trọng điểm cần được bảo vệ gồm: Hồ Phượng Hoàng - Chéo Vành - Đèo Cao (diện tích khoảng 300ha) và Đèo Cao - Bò Đái (diện tích gần 100ha thuộc xóm 3). Khi có tình huống bất ngờ xảy ra, các tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy có nhiệm vụ huy động lực lượng và phương tiện để kịp thời ứng cứu. Vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã vào đầu năm 2014 là một ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Xuân Sáng, Trưởng xóm 13 kể: Thời điểm đó đang là mùa hanh khô, khi phát hiện có đám cháy từ phía xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), chúng tôi đã nhanh chóng báo động bằng kẻng và hệ thống loa truyền thanh ở các xóm giáp ranh rừng hồ Phượng Hoàng. Mặc dù trời tối nhưng tất cả thành viên các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng cùng hàng trăm người dân đã bơi thuyền qua hồ rồi ngược núi để tham gia chữa cháy. Nhờ kịp thời phát dọn đường băng, khoanh vùng nên đám cháy đã được không chế kịp thời. Diện tịch rừng bị thiệt hại trên địa bàn chỉ khoảng 0,5ha.

 

Một điều đáng ghi nhận nữa ở Cù Vân là việc quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của toàn dân. Ở tất cả các xóm có rừng của xã đều tổ chức cho người dân ký cam kết không chặt phá, khai thác diện tích rừng phòng hộ. Ông Nguyễn Xuân Sáng, Trưởng xóm 13 cho rằng: Khi người dân ý thức được vai trò quan trọng của rừng thì họ sẽ là những người chủ động bảo vệ rừng tích cực nhất. Người dân, nhất là những gia đình thường xuyên chăn thả trâu bò trong vùng rừng phòng hộ đều có ý thức phát dọn hành lang đề phòng cháy rừng, đồng thời nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng khi có đối tượng xâm hại đến rừng.

 

Theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm huyện, từ nhiều năm nay khu vực rừng phòng hộ hồ Phượng Hoàng thuộc địa phận xã Cù Vân không để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật. Rừng ở đây cũng được đánh giá có trữ lượng gỗ lớn và đa dạng sinh học. Điều này đã giúp điều tiết tốt mực nước của hồ thủy lợi Phượng Hoàng (có khả năng cung cấp nước tưới cho khoảng 260ha đất nông nghiệp) và khu vực hạ du. Kinh nghiệm ở xã Cù Vân cho thấy, khi toàn dân nâng cao ý thức và tích cực tham gia bảo vệ thì diện tích rừng chắc chắn sẽ duy trì và phát triển.