Khơi niềm hy vọng trong giới doanh nghiệp

17:06, 05/07/2016

Từ 1-7 vừa qua, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực. Người dân và doanh nghiệp hy vọng sẽ được thực hiện quyền tự do kinh doanh thuận lợi hơn, không còn bị các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) làm khó như trước đây. Đây là hành động quyết liệt của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; khơi niềm hy vọng trong giới doanh nghiệp về một môi trường thông thoáng hơn khi cắt bỏ các "giấy phép con" bất hợp lý.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà là phải chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngay sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua (tháng 11/2014), Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành 2 Luật này. Đến thời điểm này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm các cơ quan thẩm định, thẩm tra, rất nhiều ĐKKD "không minh bạch", "không cần thiết", "không hợp lý" đã được loại bỏ. Hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm thi hành 2 Luật nêu trên; thể hiện bước tiến lớn về nhận thức của các bộ ngành, địa phương cũng như các cơ quan quản lý ĐKKD và về thể chế kinh tế thị trường.

 

Theo lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có khoảng 7000 ĐKKD trong các văn bản dưới nghị định. Một nửa trong số đó phải được vô hiệu hóa để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, VCCI được trực tiếp trình bày, phản biện với tất cả các bộ ngành; phần lớn các kiến nghị của doanh nghiệp đã được tiếp thu với tinh thần rất cởi mở. Qua đó, tháo gỡ được rất nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

 

Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn gọi các ĐKKD này là các “giấy phép con” gây cản trở việc khởi nghiệp và kinh doanh. Cải cách này nhằm hạn chế việc cấp dưới tự đưa ra các ĐKKD gây rắc rối, cản trở môi trường kinh doanh, đầu tư.

 

Giới doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế nước ta bị nghẽn lại trong mấy năm vừa qua, nguyên nhân một phần chính là ở cơ chế, chính sách. Trong con mắt của giới doanh nghiệp, các "giấy phép con" đã tạo ra cơ chế xin - cho, là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi tham nhũng, trục lợi của những người được giao trách nhiệm thi hành công vụ.

 

Việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước ngày 1-7, bởi nếu không kịp ban hành các nghị định này trong khi các thông tư hết hiệu lực, thì sẽ xuất hiện “khoảng trống pháp lý”. Khi đó, các ĐKKD được đặt ra với một số ngành nghề mà nếu không có các điều kiện ấy thì việc kinh doanh có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng... ĐKKD chính là rào cản để ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, xâm phạm các giá trị này. Sẽ rất nguy hiểm trong nhiều trường hợp không có quy định về ĐKKD.

 

Tinh thần “cải cách không ngừng” đã được Chính phủ chỉ đạo kiên quyết. Những thông điệp của Chính phủ về cải cách thể chế, về cải thiện môi trường kinh doanh đã được thể hiện nhất quán, xuyên suốt và quyết liệt trong quá trình rà soát các nghị định về điều kiện kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, kể cả sau thời điểm 1-7, khi các nghị định đã được ban hành, các bộ, ngành vẫn tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá, tiếp thu ý kiến của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, cắt giảm kịp thời những ĐKKD, các "giấy phép con" bất hợp lý “hành” doanh nghiệp. Gần đây, trước phản ánh về những vướng mắc trong các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách từ cuộc sống, của doanh nghiệp.

 

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ta cũng đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến với Thái Nguyên. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh cùng với các ngành chức năng, với mục tiêu đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân theo quy định, lấy doanh nghiệp là trọng tâm, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, phát triển lâu dài; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, chúng ta kỳ vọng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để hội nhập và phát triển.