Không để dịch bệnh mùa hè phát sinh trên đàn vật nuôi

16:00, 13/07/2016

Những ngày qua, thời tiết diễn biến phức tạp với tình trạng nắng nóng gay gắt, tạo điều kiện cho các loại vi rơt gây bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khống chế, không để dịch bệnh mùa hè phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.

Trong những ngày nắng nóng, đàn lợn hơn 200 con của gia đình anh Nguyễn Văn Thái, ở xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn (Phú Bình) thường xuyên được tắm và cung cấp đủ thức ăn, nước uống. Ngoài ra, anh còn phun nước lên mái để làm mát và tăng quạt gió nhằm lưu thông không khí chuồng nuôi. Vì thế, quan sát đàn lợn của gia đình anh, chúng tôi thấy con nào con nấy đều khoẻ mạnh, béo tròn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thái chia sẻ: Trời nóng, lợn thường thở mạnh và đi khắp chuồng tìm nước uống. Nếu không được chăm sóc tốt, chúng rất dễ bị các bệnh đường ruột và hô hấp, làm giảm sản lượng thịt. Vì vậy, ngoài việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, gia đình tôi còn đặc biệt chú ý đến khâu vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi để hạn chế các tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. Còn chị Trần Thị Trang, một hộ dân nuôi gà ở xóm Đồng Vỹ, xã Bàn Đạt (Phú Bình) cho biết: Nhà tôi nuôi hơn 5 nghìn con gà đẻ trứng. Đối với gà đẻ trứng thường rất dễ bị chết vào những ngày nhiệt độ quá cao. Vì thế, được sự tư vấn của cán bộ thú y xã, chúng tôi đã giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần và cho gà ăn thêm rau xanh. Đồng thời, tăng sức đề kháng cho gà bằng cách cho uống B-Complex, đặc biệt là Vitamin C, chất điện giải… để tăng khả năng miễn dịch.

 

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, hiện nay, toàn tỉnh có trên 71 nghìn con trâu, hơn 38 nghìn con bò, 600 nghìn con lợn và đàn gia cầm trên 10 triệu con. Số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh tương đối ổn định, không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh thông thường như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dại chó… đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Thêm vào đó, vào mùa nắng nóng, sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm, dễ mắc các loại dịch bệnh.

 

Để phòng chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai kế hoạch tiêm phòng. Toàn tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng đợt I với trên 1,5 triệu liều vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, gồm: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tụ dấu lợn, tai xanh, Lepto, dịch tả và bệnh dại trên đàn chó, mèo. Ngoài ra, thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt I năm 2016, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã cấp trên 4 nghìn lít hóa chất để phun khử trùng tiêu độc tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, sản phẩm động vật, đường làng, ngõ xóm... Ông Đỗ Vương Năng, Trưởng Thú y xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Thời điểm này, xã đã thực hiện công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 80%. Cùng với đó, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh khu vực chăn nuôi, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh, các dấu hiệu nhận biết khi vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh.

 

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, điều đáng lo ngại nhất là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nơi giết mổ gia súc, gia cầm chưa tập trung; tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Về nội dung trên, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục thường xuyên tổ chức các tổ, đội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời, Chi cục tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Ngoài ra, Chi cục cũng cử cán bộ phối hợp với mạng lưới thú y cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm. Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp - PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch bệnh tái phát trong mùa nắng nóng…

 

Cùng với sự nỗ lực của các ngành chuyên môn, người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức, nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng. Bà con không nên sử dụng, giết mổ gia cầm, gia súc mắc bệnh; nếu phát hiện có gia súc, gia cầm chết phải báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.