Nan giải việc quản lý thuế kinh doanh qua Facebook

17:04, 19/07/2016

Theo quy định của các luật thuế, nghị định, hộ cá nhân kinh doanh, kể cả kinh doanh trên mạng xã hội (MXH), có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải đóng thuế. Tuy nhiên, chỉ với vài thao tác, một ít vốn và sự quen biết rộng rãi, bất cứ ai cũng có thể trở thành chủ một cửa hàng trực tuyến thông qua MXH Facebook. Việc bán hàng chưa bao giờ trở nên dễ dàng đến thế đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý thuế hiện nay.

Ngày 5-12-2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT nhằm bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được Chính phủ ban hành ngày 16-5-2013. Theo đó, tại điều 37, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định những người kinh doanh trên MXH dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.   

Chị Nguyễn Thị Út Thơ, ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) là nhân viên văn phòng. Vì muốn kiếm thêm thu nhập, ngoài công việc ở Công ty, chị bán thêm phụ kiện thời trang, mỹ phẩm qua MXH Facebook đem lại một khoản doanh thu không nhỏ. Trước thông tin kinh doanh trên MXH phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, chị Thơ lo lắng: “Vì không đủ kinh phí và thời gian mở cửa hàng nên tôi bán hàng qua Facebook kiếm thêm chút tiền nuôi con chứ không phải bán hàng chuyên nghiệp. Tôi nghĩ nếu đánh thuế đối với cả bán hàng nhỏ lẻ trên MXH thì không ai dám buôn bán gì cả, tôi cũng sẽ bỏ kinh doanh qua Facebook”.

 

Cũng theo chị, hiện, tiểu thương kinh doanh trên MXH, nhất là Facebook theo kiểu tự phát, không được kiểm soát nên rất khó đánh thuế. Còn anh Nguyễn Công Tuấn, ở T.X Phổ Yên đang làm chủ một nhóm “Bán xe máy cũ” trên MXH với gần 200 thành viên tham gia. Anh cho hay: “Tôi lập nhóm bán hàng trên mạng Facebook để tập trung các thành viên có nhu cầu mua bán, trao đổi xe máy cũ. Trước kia, nhóm hoạt động khá sôi nổi nhưng khi có quy định đóng thuế, nhiều thành viên tỏ ra lo lắng nên đã rời nhóm”. Cũng theo anh Tuấn chia sẻ, bản thân anh chỉ quản lý nhóm bán hàng này với tinh thần tự nguyện, chứ không có bất kỳ một khoản thu nhập nào. Hơn nữa, việc các thành viên kinh doanh thế nào, bán hàng hóa ra sao thì anh không thể kiểm soát.

 

Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi hầu hết tiểu thương chủ trang Facebook sử dụng kinh doanh nhưng chưa tự giác nộp thuế. Bởi theo họ, quy định thì đã có nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Cơ quan chức năng chưa thể quản lý được hết các đối tượng, chưa có chế tài xử phạt đối với cá nhân đang vi phạm. Vì thế, chừng nào quan điểm về sự công bằng giữa đánh thuế kinh doanh qua MXH và các loại hình khác còn “thả nổi” thì người dân vẫn chưa thể tự nguyện nộp thuế dựa trên ý thức và trách nhiệm. Tuy nhiên, dưới góc độ người tiêu dùng, họ lại rất ủng hộ và mong được Nhà nước quản lý chặt chẽ và khắt khe hơn về việc quản lý bán hàng qua MXH. Bởi việc làm này sẽ tăng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, tạo sự niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng bởi sẽ giảm được rủi ro như mua phải hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng…

 

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương), hiện Trung tâm đang quản lý, vận hành duy nhất một sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh với 500 doanh nghiệp tham gia. Thế nhưng, MXH Facebook hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì vẫn đang bị “bỏ ngỏ” và chưa được quản lý. Ông Lê Hữu Nhân, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Sở Thông tin - Truyền thông) giải thích: “Chúng ta chưa phối hợp được với nhà đại diện quản lý Facebook tại Việt Nam. Bởi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, Facebook mang tính toàn cầu nên người bán hàng có thể ở trong nước nhưng cũng có thể ở nước ngoài. Vì thế, không thể kiểm soát triệt để những trang Facebook bán hàng hoặc đề nghị nhà cung cấp ngừng, hủy các chủ trang Facebook có hành vi trốn thuế”. Hơn nữa, theo ông Nhân, mỗi người có thể lập hàng chục tài khoản trên MXH để bán hàng. Vì thế, họ có thể hủy bỏ hoặc dừng hoạt động bất cứ lúc nào và việc truy tìm, xác định chủ nhân điều hành trang mạng đó để đánh thuế là rất khó kiểm soát. Và theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, cơ quan thuế đang gặp không ít khó khăn trong việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này. Bởi cá nhân kinh doanh qua Facebook thường hoạt động tự do, không bị ràng buộc về điều kiện tham gia như đăng ký mã số thuế, địa chỉ kinh doanh cụ thể. Hơn nữa, người bán và mua hàng thường thanh toán qua chuyển khoản, bưu điện mà không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Vì thế, xác định doanh thu và ấn định thuế là rất khó.

 

Như vậy, nguyên nhân sâu xa là chưa thể kiểm soát chặt chẽ các MXH dưới hình thức thương mại điện tử, trong khi ý thức về việc tự giác đăng ký và nộp thuế của người dân nói chung chưa cao thì việc thu thuế kinh doanh qua MXH sẽ không khả thi. Điều này có thể dẫn đến việc thất thoát nguồn thu không nhỏ đối với cơ quan thuế. Để giải quyết bài toán này đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý lĩnh vực kinh doanh, thông tin, tài chính từ Trung ương đến địa phương.