Tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực thuế

15:15, 16/07/2016

Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì một trong những đòi hỏi được đặt ra đối với ngành Thuế là đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, biết tận dụng thời cơ để phát triển thì lại có không ít DN lợi dụng để trục lợi. Trước tình trạng này, một trong những giải pháp được cho là thiết yếu mà ngành Thuế đề ra đó là chú trọng làm tốt công tác thanh, kiểm tra…

Ông Nghiêm Quang Khương, Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thuế tỉnh trao đổi, phân tích với chúng tôi nhiều thay đổi trong chính sách Thuế mà Chính phủ đưa ra trong những năm gần đây, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời không bàn đến hiệu quả của các chính sách, mà chỉ muốn đề cập đến những “tác dụng phụ” của nó.

 

Trước hết là về thủ tục đăng ký thành lập mới DN. Có thể nói, chưa bao giờ việc thành lập DN lại nhanh chóng như hiện nay. Bất cứ ai đủ 18 tuổi trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ cần có chứng minh thư nhân dân là đã có thể trở thành giám đốc DN sau 5 ngày nộp hồ sơ. Mặc dù, theo quy định, DN phải có trụ sở chính để giao dịch và vốn điều lệ. Song trên thực tế, cơ quan chức năng lại hầu như không thẩm định những nội dung này bởi hạn chế về mặt thời gian và nguồn nhân lực. Lợi dụng điều này, nhiều DN được thành lập chỉ nhằm mục đích lợi dụng thời cơ để mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng (hay còn gọi là hóa đơn đỏ). Cơ quan Thuế thường gọi đây là những “DN ma”. Theo đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, loại DN này xuất hiện ngày càng nhiều. Khi có sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của cơ quan Thuế, thấy khó khăn trong hoạt động, sẽ thay đổi địa bàn hoạt động DN, xin giải thể hoặc tự ý bỏ địa chỉ kinh doanh mà không thông báo tới bất kỳ cơ quan chức năng nào theo quy định.
Thứ hai là việc DN được phép tự in, đặt in hóa đơn thay vì trước năm 2013 DN bắt buộc phải mua của cơ quan Thuế. Lợi dụng chính sách này, nhiều DN đã cố tình in nhiều số sê-ri hóa đơn trùng nhau; không thông báo số, loại hóa đơn trước khi phát hành nhưng vẫn đưa vào sử dụng nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan Thuế, để từ đó có thể cho, bán hóa đơn với đối tác hoặc bạn hàng. Ngoài ra, việc kiểm tra tại bàn tại cơ quan Thuế hiện cũng khiến việc kiểm tra, đối chiếu của cán bộ Thuế gặp nhiều khó khăn. Thay vì hằng tháng DN phải nộp bảng kê hóa đơn mua vào, bán ra kèm theo tờ khai thuế thì nay không cần phải nộp bảng kê nữa. Do đó, nếu cơ quan Thuế muốn kiểm tra DN sẽ không có dữ liệu để đối chiếu, khiến việc kiểm tra, đối chiếu trở nên khó khăn, mất thời gian, trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra còn thiếu so với quy định cũng như nhu cầu thực tế.

 

Qua thực tế thanh, kiểm tra, cơ quan Thuế nhận thấy, hiện nay, thay vì tập trung ở những tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều DN với trình độ quản lý cao, thì đối tượng mua, bán hóa đơn lại đang có xu hướng chuyển vùng hoạt động sang các tỉnh lẻ, nhất là ở các huyện, nơi mà trình độ quản lý của DN còn nhiều hạn chế. Và Thái Nguyên hiện cũng đang trong tình trạng chung đó. Có những DN khi bị cơ quan Thuế phát hiện có dấu hiệu, hoặc sử dụng các hóa đơn bất hợp pháp của các DN mua, bán hóa đơn, vẫn không nghĩ là mình đã vi phạm pháp luật hoặc không lường trước được hậu quả mà bản thân hay DN sẽ phải gánh chịu. Ngoài ra, đồng chí Nghiêm Quang Khương cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN cố tình vi phạm các quy định về quản lý thuế là tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính 2-3 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với DN nhỏ và vừa mới ra kinh doanh, khiến một số DN làm liều. Nhiều DN vốn vẫn được biết đến khá nghiêm túc trong hoạt động thì nay cũng bị xử phạt về những lỗi liên quan đến hóa đơn, trốn thuế…

 

Từ thực tế trên, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngành Thuế tỉnh luôn chú trọng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Từ năm 2015 đến hết tháng 6-2016, Cục Thuế đã thanh tra được 112 đơn vị, trong đó có 9 đơn vị thanh tra đột xuất. Tổng số tiền thuế truy thu phải nộp sau thanh tra là gần 25,5 tỷ đồng, phạt là 8,66 tỷ đồng và truy hoàn 622 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan thuế đã yêu cầu DN điều chỉnh giảm lỗ 30,9 tỷ đồng và số tiền giảm khấu trừ 9,7 tỷ đồng. Còn trong công tác kiểm tra, toàn ngành Thuế đã thực hiện 751 cuộc tại trụ sở người nộp thuế. Qua đó, tổng số thuế truy thu, truy hoàn và xử phạt là trên 87 tỷ đồng. Cũng từ thanh, kiểm tra, từ năm 2015 đến nay, Cục Thuế tỉnh đã chuyển hồ sơ của 6 DN có hành vi gian lận mua, bán hóa đơn, trốn thuế tới Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý hình sự. Điển hình là vụ của Công ty TNHH Xây dựng, vận tải và thương mại Quang Hải, ở xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên và vụ của Công ty TNHH xây dựng Dương Minh Quân và Doanh nghiệp tư nhân Công Minh, cùng ở địa chỉ tại số 129, đường Bắc Nam, phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên. Cả hai vụ trên hiện đều đã có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra khẳng định đây là những vụ án hình sự và đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên để chờ xét xử trong thời gian tới theo quy định của pháp luật. Sự cương quyết này của cơ quan Thuế như một lời cảnh tỉnh, có tác dụng cảnh báo, răn đe, giúp làm hạn chế vi phạm trong khối DN trước việc mua, bán hoặc vay, mượn hóa đơn đỏ để khấu trừ hay hoàn thuế.

 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục phó Cục Thuế tỉnh: Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Tổng Cục Thuế; triển khai quyết liệt các giải pháp trong công tác thanh, kiểm tra tại DN theo phương pháp quản lý rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực có quan hệ giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, có sự bất hợp lý về doanh thu, chi phí, DN lỗ liên tục, DN có số hoàn thuế lớn…