Với mục tiêu gieo cấy 4.350 ha lúa vụ mùa, phấn đấu năng suất trung bình đạt gần 49 tạ/ha, thời gian qua huyện Đồng Hỷ đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho sản xuất.
Vụ mùa năm nay, gia đình ông Hoàng Lâm, xóm Gốc Thị, xã Nam Hòa cùng với 372 hộ dân khác mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình “cánh đồng một giống” lúa lai BTE-1. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, vụ mùa này, ông cùng các gia đình tham gia đã gieo mạ đồng loạt cùng một thời điểm, đến nay cây mạ đã được 12 ngày, chuẩn bị đồng loạt cấy xuống ruộng từ ngày 29-6 và kết thúc vào 5-7. Ông Lâm cho biết: Qua lớp tập huấn chúng tôi biết, việc gieo cấy một giống duy nhất, làm đất, gieo trồng cùng một thời điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thủy lợi, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Từ đó giảm chi phí sản xuất nhưng tăng về năng suất, thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đã từng trồng giống lúa lai BTE-1, tôi thấy đây là giống cho cơm dẻo thơm nhẹ, phù hợp với đồng đất Nam Hòa, nên khi cán bộ khuyến nông triển khai, gia đình tôi cũng như bà con trong xóm đều đồng ý tham gia mô hình này.
Được biết, năm nay là lần đầu tiên xã Nam Hòa xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn cho vụ sản xuất lúa mùa. Trong đó, mô hình 60ha với sự tham gia của 312 hộ dân, chỉ sử dụng giống lúa lai BTE-1 tại cánh đồng chung của 3 xóm Chí Son, Bờ Suối, Gốc Thị và mô hình 15 ha, với sự tham gia của 107 hộ dân, sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao Thiên Ưu 8 tại 2 xóm Cầu Đất, Quang Trung. Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Để thực hiện hiệu quả 2 mô hình này, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất, tuyên truyền vận động và có trên 400 hộ nông dân đồng ý tham gia mô hình. Bà con cũng tích cực tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về thực hiện cánh đồng một giống và đã nắm bắt được kiến thức, khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Với sự đồng thuận đó, chúng tôi cũng bám sát đồng ruộng, đến nay đã hướng dẫn bà con gieo mạ, chuẩn bị cấy cùng một thời điểm. Chúng tôi hy vọng việc triển khai mô hình “cánh đồng một giống”, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến có thể là giải pháp để nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương…
Cùng với Nam Hòa, thời điểm này, nông dân ở 17 xã, thị trấn còn lại của huyện Đồng Hỷ hoàn thành 100% làm đất để gieo cấy vụ mùa, trong đó, bà con cày ải, bón lót bằng 100% phân hữu cơ, 100% phân lân cùng 20% phân đạm. Chuẩn bị xong 100% mạ để gieo cấy. Riêng đối với các xã dọc bờ sông, thường xảy ra lụt, úng ngập như: Huống Thượng, Nam Hòa, Hóa Thượng, Linh Sơn… bà con sẽ tiến hành gieo mạ dự phòng từ ngày 5-7 đến 10-7, nếu xảy ra ngập lụt, cần cấy dặm cũng sẽ hoàn thành cấy xong trước ngày 15-8…
Nói về việc chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Lúa xuân năm nay thu hoạch muộn hơn so với mọi năm từ 7-10 ngày làm chậm thời vụ gieo mạ, tiến độ làm đất và gieo cấy của lúa mùa. Thời vụ gấp gáp cũng dẫn đến khả năng bà con làm đất không kỹ nên sâu bệnh có điều kiện lưu trú, tăng khả năng phát sinh gây hại trên lúa. Ngoài ra, sản xuất vụ mùa được dự báo tiếp tục chịu tác động bất lợi của hiện tượng thời tiết bất thường với các đợt mưa lớn tập trung trong giai đoạn ngắn có thể gây lụt và đan xen với các đợt nắng nóng làm tăng nguy cơ diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại… Lường trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa từ rất sớm và đề ra nhiều biện pháp triển khai đồng bộ. Vụ mùa năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng gần 4.970 ha, trong đó có 4.350 ha ha lúa, 520 ha ngô và gần 100 ha cây màu các loại, phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 23.300 tấn.
Từ việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch sớm, chúng tôi đã huy động các nguồn lực, động viên bà con khẩn trương triển khai kế hoạch sản xuất mùa với tiến độ thời vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Theo đó, chúng tôi động viên bà con nhanh chóng thu hoạch lúa xuân theo phương châm “gặt đến đâu cày ngay đến đó”, huy động máy móc, nhân lực làm đất sớm, tập trung ngay sau khi gặt, chú ý làm đất kỹ để gốc rạ nhanh phân huỷ, vệ sinh đồng ruộng nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với giống và thời vụ, huyện đã chỉ đạo bố trí theo hướng mở rộng tối đa diện tích trà mùa sớm, mùa trung (chiếm 85% diện tích); sử dụng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh với chủ lực là các giống lúa chất lượng, năng suất cao (B-TE1, VL20, Thiên ưu 8, Nam ưu 603, Syn6, Q.ưu 1… ). Thời vụ gieo cấy với trà mùa sớm tập trung gieo mạ từ 25-5 đến 5-6, cấy từ 6-6 đến 20-6; trà mùa trung tập trung gieo mạ từ 5-6 đến 15-6, gieo cấy cơ bản xong trước 5-7; trà mùa muộn xong trước 25-7... Tất cả các giống lúa đều được khuyến cáo xử lý thóc giống trước khi ngâm để hạn chế sâu bệnh phát sinh. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo cán bộ nông nghiệp huyện tăng cường xuống cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các vấn đề bất cập, khó khăn trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chú trọng công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trong sản xuất vụ mùa…
Đến ngày 29-6, toàn huyện Đồng Hỷ đã gieo cấy được khoảng 40% diện tích lúa, tập trung ở một số xã vùng thấp như Linh Sơn, Nam Hòa, Huống Thượng, Hợp Tiến, Tân Lợi. Ở những vùng cao như Văn Lăng, Tân Long, Quang Sơn… bà con nông dân cũng đã chuẩn bị tốt điều kiện để sản xuất vụ mùa bảo đảm kế hoạch đề ra.