Tích cực phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

08:58, 16/07/2016

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 39.500 ha lúa. Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ; lúa mùa trung, mùa muộn đang bén rễ, hồi xanh.

Thời tiết những ngày qua nắng nóng oi bức, có xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi để một số loại sâu bệnh phát triển và gây hại. Cụ thể, đối với trà lúa mùa sớm, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ trung bình 2-4 con/m2, nơi cao 10-25 con/m2, cục bộ 40-60 con/m2; rầy các loại với mật độ trung bình 10-20 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2, cục bộ 120 con/m2; sâu đục thân hai chấm tỷ lệ hại trung bình 0,3-0,5%, nơi cao 1- 2% dảnh bị hại; sâu đục thân cú mèo với tỷ lệ hại trung bình 0,8 - 1%, nơi cao 2- 4,2% dảnh bị hại với tổng diện tích bị nhiễm trên 1.000ha. Ngoài ra, hơn 2.000 ha lúa mùa trung và mùa muộn cũng xuất hiện rầy các loại với mật độ trung bình 5-20 con/m2, nơi cao 30-50 con/m; ốc bươu vàng với mật độ trung bình 0,3-1 con/m2, nơi cao 3-4 con/m2, cục bộ 10-12 con/m2 (Phú Bình, T.P Thái Nguyên).

 

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị chủ động theo dõi diễn biến các đối tượng gây hại để chỉ đạo các biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả, đảm bảo năng suất cây trồng. Đối với bà con nông dân cần chủ động thăm đồng, tranh thủ thời tiết tạnh ráo thực hiện ngay việc phun phòng trừ đối với những diện tích lúa có sâu bệnh và tích cực diệt ốc bươu vàng, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, thực hiện kỹ thuật bón thúc cân đối, tăng cường bón thúc phân Kaly để lúa cứng cây, giảm lượng đạm để hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại.